Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Xử án kinh doanh, thương mại cũng... khổ!

Cùng với các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, lao động..., việc xét xử án kinh tế hiện cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Mới đây, Tòa kinh tế TAND tối cao đã nêu ra nhiều vấn đề “đau đầu” để tìm hướng giải quyết...

Hướng dẫn “xa” luật

Trước hết, Tòa kinh tế TAND tối cao đã chỉ ra vướng mắc từ hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về thẩm quyền giải quyết án kinh doanh, thương mại.

Cụ thể, theo Bộ luật tố tụng dân sự, tòa các cấp có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, Nghị quyết 05 ngày 31-3-2005 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao lại giao thêm cho Tòa kinh tế giải quyết “các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một bên hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.

Theo Tòa kinh tế, hiện một số tòa địa phương đề nghị xem xét lại hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn nội dung hướng dẫn trên vì nó không phù hợp với tố tụng dân sự. Thực tiễn cho thấy các tòa gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng hướng dẫn này. Đặc biệt là khi phải phân biệt vụ án thuộc trường hợp hướng dẫn với trường hợp thuộc vụ án dân sự mà thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh. Chẳng hạn như trường hợp vay tiền của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng mà người vay tiền là bên không đăng ký kinh doanh...

Tuy nhiên, Tòa kinh tế cho rằng theo xu hướng phát triển, có lẽ các tòa vẫn nên chấp hành hướng dẫn trên vì nhìn lại thì nó phù hợp với Luật doanh nghiệp, Luật thương mại dù có “xa” đôi chút so với Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chưa rõ vụ án hay việc dân sự

Tòa kinh tế cũng nêu ra một vướng mắc nữa trong việc giải quyết yêu cầu hủy bỏ quyết định của đại hội đồng cổ đông.

Theo quy định, trong một thời hạn nhất định, cổ đông, thành viên hội đồng quản trị... có quyền yêu cầu tòa án xem xét, hủy bỏ quyết định của đại hội đồng cổ đông... Một số ý kiến nói yêu cầu này là loại việc kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa bằng một vụ án kinh doanh, thương mại tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng nhiều ý kiến khác lại bảo đây là loại việc dân sự (yêu cầu về kinh doanh, thương mại) thuộc thẩm quyền của tòa theo quy định tại khoản 4 Điều 40 bộ luật trên.

Tòa kinh tế cho rằng vụ án kinh doanh, thương mại phải có yếu tố tranh chấp giữa các đương sự, còn việc dân sự (yêu cầu về kinh doanh, thương mại) thì không có yếu tố tranh chấp. Do vậy, có thể nhận định bước đầu là yêu cầu hủy bỏ trên là loại việc dân sự. Tuy nhiên, Tòa kinh tế cũng nhìn nhận chuyện này hiện còn rất nhiều ý kiến khác nhau nên TAND tối cao phải có hướng dẫn rõ ràng để áp dụng xuyên suốt.

Vướng với trường tư thục, dân lập...

Theo Tòa kinh tế, việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc thành lập, hoạt động, giải thể, sát nhập, chia tách... của trường dạy nghề, trường dân lập, trường tư thục, các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chứng khoán... cũng không dễ dàng gì. Bởi lẽ những vấn đề trên chưa hề được nêu trong Luật doanh nghiệp 2005. Nhiều tòa đã lúng túng khi xác định quan hệ tranh chấp cũng như việc áp dụng văn bản pháp luật.

Có quan điểm cho rằng đây là tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty, giữa các thành viên công ty với nhau... và phải áp dụng luật chuyên ngành để giải quyết. Bởi theo quy định, trường hợp đặc thù liên quan đến chuyện thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại luật khác thì áp dụng theo luật đó.

Tòa kinh tế đồng ý với quan điểm này nhưng đề nghị TAND tối cao ra hướng dẫn để thống nhất xử lý trong toàn ngành, tránh chuyện tòa này áp dụng luật chung, tòa kia áp dụng luật chuyên ngành. Chẳng hạn trường hợp trường tư thục, trường dân lập, Luật giáo dục có quy định về quyền sở hữu tài sản, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhưng không quy định các trường này theo mô hình như trong Luật doanh nghiệp. Nếu thụ lý, giải quyết theo Luật doanh nghiệp (coi các trường trên là công ty TNHH) thì các thành viên không được rút vốn mà chỉ có quyền mua lại, chuyển nhượng vốn góp mà thôi...

Giao tranh chấp tín dụng cho cấp huyện?

Theo quy định, những tranh chấp phát sinh trong hoạt động đầu tư, tài chính, ngân hàng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp tỉnh. Nhưng trên thực tế, có những vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với cá nhân (có hoặc không đăng ký kinh doanh), giá trị tranh chấp không lớn, không có tình tiết phức tạp thì tòa cấp huyện hoàn toàn có đủ năng lực giải quyết. Vì vậy, nhiều tòa cấp huyện góp ý là nên chuyển một số án của tòa cấp tỉnh về cho họ.

Trước những góp ý này, Tòa kinh tế chỉ có thể yêu cầu các tòa thực hiện đúng quy định. Sắp tới có thay đổi không, thay đổi như thế nào thì phải chờ sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự.

Xác định đúng người khởi kiện

Nhiều sai sót của tòa rất đáng tiếc từ việc xác định sai người khởi kiện. Các quan hệ kinh doanh rất phức tạp và đa dạng. Tham gia quan hệ có thể có nhiều chủ thể khác nhau. Để xác định chủ thể nào có quyền khởi kiện và chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ, thẩm phán phải xác định tranh chấp kinh doanh, thương mại đó phát sinh từ quan hệ pháp luật nào. Có như vậy mới xử lý án tốt được.

Mặt khác, thẩm phán phải xác định người khởi kiện có bị mất quyền khởi kiện không. Trong một số quan hệ pháp luật về kinh doanh, thương mại yêu cầu các bên tranh chấp phải thực hiện việc khiếu nại trong thời hạn khiếu nại, nếu không khiếu nại sẽ bị mất quyền khởi kiện.

Xác định đúng thời hiệu khởi kiện

Các tranh chấp thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Xác định ngày bắt đầu thời hiệu khởi kiện là ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm phụ thuộc vào từng tranh chấp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các thẩm phán để xem xét có thụ lý đơn kiện hay không. Các tranh chấp liên quan đến số lượng, chất lượng hàng hóa thì ngày có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm được hiểu là ngày giao nhận hàng, trường hợp hàng hóa có bảo hành là ngày hết thời hạn bảo hành đối với tranh chấp về chất lượng hàng hóa. Các tranh chấp khác liên quan đến nghĩa vụ phải hoàn thành theo hợp đồng thì ngày bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ hoặc trường hợp hàng hóa có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành.

(Trích tài liệu hướng dẫn kỹ năng giải quyết án kinh doanh, thương mại, TAND TP.HCM)

KHẢI HÀ - ĐỨC MINH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét