Trước những cách hiểu khác nhau, TAND Tối cao chưa thể có hướng dẫn ngay mà còn phải tiếp tục nghiên cứu.
Những năm gần đây, ngày càng xảy ra nhiều vụ người dân khởi kiện các cơ quan báo chí. Tại hội nghị tổng kết công tác ngành tòa án năm 2010, TAND TP Hà Nội đã nêu lại vướng mắc về điều kiện khởi kiện đối với án loại này và kiến nghị TAND Tối cao có hướng dẫn thống nhất.
Một câu hỏi: Khi người dân nhiều lần yêu cầu cơ quan báo chí cải chính, xin lỗi vì đăng tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ mà báo chí không chịu trả lời thì người dân có quyền khởi kiện thẳng ra tòa hay không?
Luật cho phép
Theo Luật Báo chí, báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phải đăng, phát sóng lời cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí, tác giả. Trong trường hợp có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan báo chí phải đăng, phát sóng kết luận này.
Trong trường hợp cơ quan báo chí không đăng, không cải chính, xin lỗi hoặc cải chính, xin lỗi không đúng các quy định của Luật Báo chí; không đăng, phát sóng lời phát biểu của tổ chức, cá nhân thì họ có quyền khiếu nại với cơ quan chủ quản của báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện ra tòa.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 51 năm 2002 (quy định chi tiết Luật Báo chí), sau ba lần đăng, phát ý kiến phát biểu của tổ chức, cá nhân và cơ quan báo chí mà không có sự thống nhất giữa hai bên..., tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo đó, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện ra tòa.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 3 Quy chế cải chính trên báo chí (ban hành kèm Quyết định 03 năm 2007 của bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin), khi nhận được ý kiến phát biểu bằng văn bản của tổ chức, cá nhân cho rằng những nội dung thông tin đã đăng, phát trên báo chí vi phạm..., cơ quan báo chí phải đăng, phát ý kiến phát biểu của tổ chức, cá nhân đó theo quy định.
Trường hợp không đăng, phát, cơ quan báo chí phải gửi văn bản thông báo nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đó biết, đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản tới cơ quan quản lý nhà nước về báo chí... Nếu không có sự nhất trí giữa hai bên thì tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại đến cơ quan chủ quản của báo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện ra tòa.
Tòa vẫn lúng túng
Dù luật quy định như vậy nhưng theo TAND TP Hà Nội, thực tế hiện vẫn đang có hai luồng quan điểm trái ngược nhau về chuyện này.
Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng khi người dân đã nhiều lần yêu cầu cơ quan báo chí giải quyết việc đăng tin không đúng sự thật mà báo chí không trả lời thì có thể coi như báo chí đã không giải quyết. Lúc này, công dân có quyền lựa chọn một trong hai cách: Khiếu nại lên cơ quan chủ quản của báo hoặc khởi kiện ra tòa yêu cầu báo cải chính, bồi thường thiệt hại. Với những trường hợp này, tòa án phải nhận đơn, thụ lý. Bởi lẽ khi báo chí không trả lời yêu cầu, nếu tòa không nhận đơn thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của đương sự.
Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai lại bảo theo Quy chế cải chính thì với những yêu cầu này bắt buộc cơ quan báo chí phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do không đăng cải chính, xin lỗi. Đến lúc này, cá nhân, tổ chức mới có quyền khởi kiện. Nếu vẫn chưa có văn bản trả lời của cơ quan báo chí mà đương sự khởi kiện thì tòa không được phép thụ lý mà phải trả lại đơn kiện vì chưa đủ điều kiện.
TAND TP Hà Nội đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm thứ hai và kiến nghị TAND Tối cao thống nhất hướng xét xử chung cho toàn ngành. Tuy nhiên, TAND Tối cao cho biết đây là một vấn đề lớn, phức tạp, chưa thể trả lời ngay mà sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu.
TP.HCM: Chưa khiếu nại vẫn thụ lý Ở TP.HCM, nhiều tòa từ trước đến nay vẫn nhận đơn khởi kiện trực tiếp của đương sự, không buộc đương sự phải có khiếu nại đến báo rồi mới chấp nhận thụ lý. Lý giải, lãnh đạo các tòa này cho hay họ xác định đây là tranh chấp dân sự. Các đương sự thường đòi báo cải chính, xin lỗi, bồi thường danh dự, uy tín bị xâm hại..., có tính chất bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Chiếu theo pháp luật dân sự, ai thấy mình bị thiệt hại thì có quyền đòi bồi thường. tòa thấy đơn kiện có căn cứ thì thụ lý chứ không đòi đương sự phải khiếu nại, phải có trả lời của cơ quan báo chí... hoặc những thủ tục “tiền tố tụng” như trong án hành chính. |
Từ báo Quảng Trị đến báo Dăk Lăk Năm 2000, báo Quảng Trị có bài “Kiên quyết tấn công tội phạm” tường thuật việc bắt giữ ông Nguyễn Văn Đàn của Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Đông Hà... Sau đó, ông Đàn đã gửi đơn đến TAND thị xã Đông Hà khởi kiện báo. Ông Đàn cho rằng mình chưa hề bị kết tội bởi bất kỳ một bản án có hiệu lực pháp luật nào của tòa án nhưng báo lại nêu là “kiên quyết chống tội phạm” là xúc phạm đến uy tín, danh dự của ông. Ông yêu cầu báo phải cải chính, xin lỗi, bồi thường thiệt hại... Lúc này, một vấn đề pháp lý được đặt ra và gây rất nhiều tranh cãi trong giới luật học là khi báo chí xúc phạm công dân có buộc phải qua thủ tục khiếu nại ở cơ quan báo chí rồi mới được kiện ra tòa hay không. Tranh cãi này đến nay vẫn chưa có hồi kết... Cuối tháng 8-2009, đến lượt báo Dăk Lăk bị bốn hộ dân khởi kiện ra TAND Krông Búk (cũ, nay là thị xã Buôn Hồ) đòi cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Báo Dăk Lăk cho rằng các đương sự chưa khiếu nại đến báo theo quy định tại Điều 9 Luật Báo chí và Nghị định số 51 năm 2002 của Chính phủ (quy định về cải chính trên báo chí). Tòa phải áp dụng quy định người khởi kiện chưa có quyền khởi kiện để trả lại đơn cho đương sự. Kèm theo một số lý do khác nên báo đã không tham gia phiên xử sơ thẩm. Dù vậy, TAND thị xã Buôn Hồ vẫn tuyên buộc báo Dăk Lăk phải đăng bài cải chính những nội dung sai sự thật và công khai xin lỗi theo đúng Luật Báo chí. Theo tòa, đây là quan hệ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, được quy định tại khoản 6 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự, khi có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, sau đó VKSND tỉnh Dăk Lăk đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND thị xã Buôn Hồ vì cho rằng việc tòa thụ lý vụ án khi các đương sự chưa thực hiện việc khiếu nại đến cơ quan báo chí là vi phạm tố tụng nghiêm trọng… |
ĐỨC MINH - KHẢI HÀ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét