Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Kiện báo chí ở tòa nào mới đúng?


Nếu có tranh chấp, người thì nói phải kiện ở tòa nơi báo có trụ sở, người lại bảo được kiện ở nơi mình sinh sống…

Qua tìm hiểu thực tế, không ít tòa ở TP.HCM, nơi đã từng giải quyết những vụ kiện báo chí cho rằng người dân có thể kiện ở tòa có trụ sở báo.

Nên kiện ở tòa có trụ sở tờ báo

Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) Trần Đình Thu phân tích chẳng hạn một người Việt Nam quốc tịch nước ngoài bị một tờ báo trong nước thông tin sai sự thật, khi người ta kiện thì không lẽ tờ báo phải cử người sang nước ngoài hầu tòa sao? Hơn nữa, ngày càng có nhiều tờ báo có tầm phủ sóng thông tin rộng khắp nước bị kiện mà cứ phải đến tòa nơi nguyên đơn sống mà hầu kiện thì người đâu mà đi cho xuể, thời gian đâu mà làm chuyên môn.

Từ đó, thẩm phán Thu cho rằng kiện báo chí tại tòa án nơi báo chí đóng trụ sở hoặc nơi báo làm văn phòng đại diện là hợp lý hơn. Vì ngoài chuyện xét xử chúng ta nên tính cả chuyện thi hành án và tài sản phát sinh sau đó nữa, làm sao cho thuận lợi cả nguyên đơn và bị đơn.

Đồng tình, Chánh án TAND quận 2 (TP.HCM) Phạm Thao phân tích thêm, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp nhưng trước đó luật cũng quy định là bị đơn ở đâu thì kiện ở đó. Căng hai nguyên tắc này ra thì thấy phương án kiện tại tòa có trụ sở báo là chặt chẽ và hợp lý hơn, vì cơ quan báo chí là một pháp nhân.

Ở đâu báo cũng phải đi... hầu

Ngược lại ý kiến trên, nhiều chuyên gia pháp lý lại cho rằng về mặt pháp lý, điểm d khoản 1 Điều 36 BLTTDS đã nêu rõ: “Nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự (...) nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú giải quyết”. Do vậy, báo chí khi thông tin sai sự thật thì tòa ở đâu đòi cũng phải đến.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, khoa Luật dân sự (Đại học Luật TP.HCM), lý giải phải coi việc kiện báo chí là một vụ việc dân sự và khi ấy bản chất của việc đòi bồi thường thiệt hại là như nhau. Kiện báo chí hay kiện bất cứ một cơ quan tổ chức nào là pháp nhân cũng vậy, không có gì đặc biệt hơn. Ở đây, kiện báo chí là yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên nguyên đơn có quyền lựa chọn tòa án tại nơi mình cư trú hoặc nơi có trụ sở tờ báo.

Nhiều người cho rằng nếu nguyên đơn ở nước ngoài hoặc ở vùng sâu, vùng xa kiện báo thì sao, có thuận lợi cho việc báo đi hầu kiện không? Theo ông Tiến, luật đã quy định như vậy thì chúng ta phải tuân theo, phải lấy luật làm chuẩn, không khác được. Còn khi thấy bất hợp lý như một số trường hợp không thuận lợi cho bị đơn trong việc tham gia tố tụng thì chúng ta kiến nghị sửa luật hoặc quy định thêm để thích hợp hơn.

Kiện văn phòng đại diện của báo ở đâu?

Theo Chánh án Phạm Thao, nếu là văn phòng đại diện của báo có tư cách pháp nhân thì người dân, tổ chức có quyền kiện trực tiếp văn phòng hoặc kiện trực tiếp ở tòa nơi trụ sở chính. Nếu kiện văn phòng đại diện của báo thì nguyên đơn có thể kiện ở tòa án gần nơi mình sinh sống nhất. Trường hợp đó chỉ là cơ quan thường trực hay thường trú của tờ báo, không có tư cách pháp nhân thì dân không kiện được. Thẩm phán Thao cho rằng như vậy sẽ tránh chuyện các tòa mâu thuẫn với nhau về thẩm quyền xét xử.

Cùng nhận định trên nhưng Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng người dân phải nộp đơn kiện ở tòa án nơi có văn phòng đại diện của tờ báo đóng trụ sở chứ không phải tòa án nơi gần mình sinh sống nhất. Ví dụ, một người dân ở Vĩnh Long bị một văn phòng đại diện một tờ báo phía Bắc tại TP.HCM viết sai sự thật thì người đó nộp đơn kiện tại TAND quận có văn phòng tờ báo.

Tuy nhiên, một thẩm phán TAND Tối cao cho rằng cứ kiện ở nơi mình sống nhưng bị đơn phải là tổng biên tập chứ không phải văn phòng đại diện tờ báo dù phóng viên ở đây viết sai sự thật. Chẳng hạn văn phòng đại diện của một tờ báo phía Bắc tại TP.HCM đăng tin sai sự thật về ông A ở Cần Thơ thì ông A kiện tổng biên tập tờ báo nhưng nộp đơn tại TAND một quận ở TP Cần Thơ. Chuyện ông tổng biên tập trực tiếp hầu kiện hay ủy quyền cho ai đó tại văn phòng của báo tại TP.HCM là chuyện của tờ báo. Có người lại so sánh văn phòng đại diện của báo giống một chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước. Nên theo BLTTDS, người dân có quyền kiện tại tòa án nơi họ sống.

Cuối cùng, theo các chuyên gia pháp lý, tất cả những vấn đề trên phải cần có một hướng dẫn cụ thể của TAND Tối cao. Nếu không sẽ xảy ra mâu thuẫn trong cách nhìn nhận, đánh giá, cách hiểu một điều luật khác nhau của các tòa khi số lượng các vụ kiện báo chí ngày càng nhiều.

Không kiện được văn phòng đại diện!

Dù văn phòng tờ báo có pháp nhân, có phóng viên, có tất cả các giao dịch khác nhưng sản phẩm cuối cùng dẫn đến vụ kiện là bài đăng trên báo nên người dân không kiện được văn phòng đại diện. Vì người quyết định đăng bài báo và chịu trách nhiệm về nó là tổng biên tập ở trụ sở chính. Cho nên khi phát sinh các tranh chấp liên quan đến bài báo giữa người đọc và tờ báo thì bị đơn phải là ông tổng biên tập đại diện. Nên dù phóng viên của văn phòng đại diện viết sai sự thật thì người dân kiện ở tòa án có trụ sở chính của tờ báo mới đúng. Theo tôi, riêng trường hợp này thì văn phòng đại diện tòa báo có cơ chế hoạt động khác với chi nhánh một doanh nghiệp hay tổ chức khác nên không kiện họ được.

Thẩm phán Phạm Công Hùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Báo chí nước ngoài bị kiện:

Thủ tướng kiện báo chí

Tháng 8-2009, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã kiện nhiều tớ báo trong và ngoài nước phải đính chính, xin lỗi ông vì cho rằng các báo đã bôi nhọ ông khi đăng tải những thông tin về đời tư của mình. Trong nhiều tờ báo bị kiện có tạp chí Pháp Nouvel Observateur vì đã đăng bài: “Tình dục, Quyền lực và Những lời nói dối” và tờ báo El Pais (Tây Ban Nha) vì đã đăng những bức ảnh các vị khách ngực trần và khỏa thân của Thủ tướng Ý tại khu nghỉ riêng của ông. Tờ La Republica (Ý) cũng bị kiện vì liên tục nhắc đi nhắc lại “10 câu hỏi” về đời tư cũng như tham vọng chính trị của ông.

“Sao” điện ảnh kiện báo chí

Tháng 1-2010 vừa qua, nữ diễn viên Chương Tử Di đã kiện tờ tuần san giải trí của tờ Hướng Dẫn Mua Sắm Trung Quốc vì cho rằng đã đăng tải thông tin vu cáo đối với cô và người tình cũ người Mỹ Vivi Nevo. Anh này cũng lên tiếng ủng hộ Chương Tử Di và sẽ cùng cô theo đuổi đến cùng vụ kiện. Tuần san này đã đăng tải lời kể của một người rằng Chương Tử Di tìm cách tán tỉnh một người đàn ông giàu có đã lập gia đình trong thời gian cô đang yêu triệu phú Vivi Nevo. Sau đó, theo lời kể Chương Tử Di được mua cho rất nhiều món quà đắt tiền và bị vợ của doanh nhân phát hiện nên cô đã chia tay Vivi Nevo…

“Sao” bóng đá thắng kiện báo

Tháng 6-2009, ngôi sao bóng đá David Beckham đã thắng kiện tờ Daily Star (Anh), được bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai anh cùng gia đình do bị bôi nhọ danh dự. Theo tòa, tờ Daily Star đã đăng một mẩu tin sai sự thật về việc tuyển thủ “qua lại” với một người mẫu ngực trần với tiêu đề “Becks và người đẹp tóc vàng”. Beckham khởi kiện và tờ báo không có một bằng chứng nào để chứng minh.

Trước đó năm 2006, cầu thủ nổi tiếng Wayne Rooney cũng được hai tờ báo SunNews of the World bồi thường 100.000 bảng vì thua kiện. Hai tờ này đăng loạt bài về việc anh đã tát vị hôn thê Coleen McLoughlin trong một quán bar. Rooney kiện vì cho rằng những thông tin thiếu chính xác trên đã ảnh hưởng nặng nề tới danh dự của anh và bạn gái. Sau khi thắng kiện, Rooney tuyên bố sẽ dành hết khoản tiền được bồi thường để làm từ thiện.

Bảy “sao” Hàn thắng kiện tạp chí điện ảnh

Cuối năm 2007, Tòa án Trung ương Seoul đã tuyên buộc tạp chí điện ảnh Screen M&B của Hàn phải đền bù tiền từ 10 đến 15 triệu won cho bảy ngôi sao điện ảnh vì đã dùng hình ảnh của họ để quảng cáo mà không xin phép. Trước đó, tạp chí Screen M&B đã thu được lợi nhuận lớn từ việc tổ chức triển lãm trưng bày những tấm ảnh của các ngôi sao này mà chưa có sự đồng ý của họ.

THANH TÙNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét