Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Cú đánh tai hại

Đạp một phát, nạn nhân té ngửa, bị thương tích não 11% nên bị tù. Do có những mâu thuẫn trong kết quả điều trị, trong giám định, trong lời khai của người bị hại và nhân chứng nên chưa đủ cơ sở để kết luận P. phạm tội cố ý gây thương tích.

Giữa năm 2004, sau khi cùng bạn cưa đứt một lít rượu, P. nổi hứng rủ bạn đi hát karaoke. Trong lúc đang tập làm ca sĩ thì hai bên bỗng nhiên… nặng nhẹ với nhau. Nghe tin chồng mình và P. ẩu đả, chị T. chạy đến xem hư thực thế nào thì bị P. tung một cước ngã ngửa ra đất…

Đánh làm chấn thương sọ não

Việc lùm xùm nhanh chóng kết thúc vì được mọi người nhào vào can ngăn. Ai về nhà nấy nhưng về đến nhà, chị T. hậm hực la lớn: “Má ơi! Báo công an chứ thằng P. đánh con!”. Nhận được tin báo, chính quyền địa phương vội đến lập biên bản và đưa chị đi bệnh viện.

Sau khi tiếp nhận, BV Đa khoa huyện An Nhơn (Bình Định) chẩn đoán bệnh nhân chấn thương đầu do bị đánh. Điều trị thêm vài ngày, bệnh viện huyện thấy chị T. tạm ổn nên cho về nhà.

Tuy nhiên, thấy đầu chị T. vẫn còn đau đau nhức nhức nên người nhà lại đưa chị chạy lên bệnh viện tỉnh. Sau đó, chị xuất viện với giấy chứng nhận “Chị T. chấn thương sọ não kín. Khi giám định, bệnh nhân vẫn đau đầu, ngủ ít. Thực thể khám không phát hiện dấu vết. X-quang không thấy tổn thương xương sọ. Điện não kém điều hòa”.

Chị T. tiếp tục được tổ chức giám định pháp y mời đến kiểm tra, kết luận chị T. bị chấn thương sọ não. Hiện tại không để lại dấu vết mà chỉ để lại trạng thái suy nhược thần kinh mức độ nhẹ, tỉ lệ thương tật 11% tạm thời.

Từ kết quả này, P. bị công an mời đến làm việc.

Tòa, viện chỏi nhau

Xử sơ thẩm lần thứ nhất, đại diện VKS khẳng định P. phạm tội cố ý gây thương tích, đề nghị tòa tuyên phạt 6-9 tháng tù treo.

Riêng tòa nhận định chứng cứ buộc tội bị cáo mâu thuẫn nhau. Có lúc chị T. khai rằng P. xông vào nhà đánh chị ngã xuống, rồi dùng cùi chỏ thọc ót chị gây chấn thương sâu ở hệ thần kinh. Tuy nhiên, có lúc chị lại bảo P. dùng chân đá mạnh vào bụng làm chị lảo đảo. P. tiếp tục đánh cùi chỏ vào phía sau cổ làm chị té ngã ngửa đập đầu xuống đất… Riêng P. thì lại nại rằng vì quá say nên không biết có đánh chị T. hay không.

Hơn nữa, các nhân chứng lúc đầu xác định P. dùng chân phải, cùi chỏ tay phải để đá, đánh chị T… Thế nhưng sau khi biết P. thuận tay trái thì lại khai không thấy P. dùng chân tay nào để đá, đánh chị T. vì sự việc diễn ra rất nhanh.

Đồng thời trước đó tòa đã hai lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng cơ quan điều tra từ chối đưa người bị hại đi giám định lại.

Cuối cùng tòa quyết do có những mâu thuẫn trong kết quả điều trị, trong giám định, trong lời khai của người bị hại và nhân chứng nên chưa đủ cơ sở để kết luận P. phạm tội cố ý gây thương tích.

Sau khi tòa tuyên án, người bị hại kháng cáo, VKS huyện kháng nghị. Sau đó, cấp phúc thẩm lần nhất tuyên hủy án sơ thẩm. Xét xử lần hai, án sơ thẩm và phúc thẩm mới đây đều xác định P. phạm tội cố ý gây thương tích và tuyên phạt bị cáo 6 tháng tù treo.

Hành xử cẩn trọng để tránh hậu quả xấu

Có nhiều sự việc có hậu quả lớn chỉ từ một hành động tưởng chừng như vô hại như chuyện P. chỉ đạp nạn nhân một phát mà phải vướng vào lao lý. Nhiều vụ rất đơn giản như thủ phạm chỉ xô, đẩy, hất… nạn nhân một cách nhẹ nhàng nhưng xui rủi sao nạn nhân lại té vào cột nhà, bậc cầu thang, nền gạch… gây ra chấn thương não dẫn đến chết người. Hung thủ không thể tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhưng điều đáng tiếc hơn ở đây là nếu có thể kiềm chế được hành vi dù là rất nhẹ nhàng như trên thì không ai phải có kết cục xấu. Tuy nhiên thực tế, nhiều người vẫn hành xử quá tay, đến khi hối thì không kịp. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi thiếu kiềm chế đó nhưng dù lý giải thế nào thì đó cũng là những hành vi sai trái, cần tránh càng xa càng tốt. Tôi cho rằng mỗi người nên tự răn mình, hành xử cẩn trọng, nhẹ nhàng, tôn trọng mình và người khác thì sẽ tránh được những điều không hay.

VĂN THIẾT


0 nhận xét:

Đăng nhận xét