Người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý dù có được xóa án tích cũng không được làm luật sư.
Tòa Hành chính TAND tỉnh Bạc Liêu vừa thụ lý đơn khởi kiện của ông Ngô Minh Sơn, nguyên luật sư Đoàn Luật sư tỉnh này, đối với quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của Bộ Tư pháp. Theo đó, ông Sơn yêu cầu tòa buộc Bộ Tư pháp hủy bỏ quyết định trên, tiến hành cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và bồi thường thiệt hại tổng cộng 84 triệu đồng.
Trước được cấp, sau bị thu hồi
Theo hồ sơ, trước đây ông Sơn là quyền trưởng phòng Phòng Công chứng nhà nước số 1 tỉnh Bạc Liêu. Tháng 7-1998, ông bị TAND tỉnh Bạc Liêu phạt 12 tháng tù treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội nhận hối lộ. Thụ án xong, đến tháng 7-2001, ông được chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu ra quyết định xóa án tích.
Tháng 3-2006, ông Sơn được kết nạp làm luật sư tập sự tại Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu. Sau 20 tháng tập sự, ông được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Sau đó, ông làm đơn xin gia nhập vào Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu nhưng ban chủ nhiệm đoàn từ chối.
Không đồng ý, ông Sơn đã khiếu nại lên Bộ Tư pháp đề nghị can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho ông. Sau nhiều lần có ý kiến của Bộ, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu vẫn giữ nguyên quan điểm là không nhận ông Sơn và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đã cấp cho ông. Tháng 4-2009, Bộ Tư pháp đã ra quyết định trên để thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông Sơn.
Tội nghiêm trọng: Xóa án cũng không được làm luật sư
Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu Vưu Văn Kía, vào thời điểm đầu năm 2006, trường hợp của ông Sơn đủ điều kiện để tham gia tập sự hành nghề luật sư, đủ điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001. Vì thế đoàn mới nhận ông vào tập sự rồi đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ.
Nhưng sau đó, Luật Luật sư năm 2006 ra đời (có hiệu lực vào ngày 1-1-2007) thay thế cho Pháp lệnh Luật sư. Theo điểm c khoản 4 Điều 17 luật này, ông Sơn từng bị kết án theo khoản 1 Điều 279 BLHS, là tội phạm nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất đến bảy năm tù) nên dù đã được xóa án tích cũng không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Căn cứ vào khoản 3 Điều 20 Luật Luật sư, đoàn không chấp nhận cho ông Sơn trở thành thành viên, đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ đã cấp.
Không đồng ý, ông Sơn khiếu nại, cho rằng từ năm 2001 ông đã được xóa án tích nên theo quy định tại Điều 63 BLHS thì ông xem như chưa từng bị kết án. Mặt khác, Luật Luật sư có hiệu lực vào đầu năm 2007, không có giá trị hồi tố nên không thể thu hồi chứng chỉ hành nghề của ông.
Giải quyết, Bộ Tư pháp cho biết tại đợt cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho ông Sơn (tháng 11-2008), cán bộ thẩm tra cho rằng trường hợp phạm tội của ông Sơn thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng và đã xóa án tích, đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Tuy nhiên, sau khi Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu có ý kiến, Vụ Bổ trợ tư pháp đã tiến hành xác minh lại. Kết quả cho thấy trường hợp phạm tội của ông Sơn thuộc loại tội phạm nghiêm trọng, theo Luật Luật sư không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư nên Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi chứng chỉ là hoàn toàn đúng.
Bộ Tư pháp đã làm đúng
Ông Sơn được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư vào tháng 11-2008. Thời điểm này Luật Luật sư đã có hiệu lực nên việc cấp hoặc không cấp thẻ cho ông là do luật này điều chỉnh. Do ông Sơn thuộc trường hợp không được cấp thẻ theo khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư nên Bộ Tư pháp thu hồi thẻ là đúng.
Việc ông Sơn cho rằng Bộ Tư pháp sai vì ông đã được xóa án tích theo Điều 63 BLHS là chưa phù hợp, vì luật sư là một nghề đặc thù, được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành là Luật Luật sư. Một khi có tranh chấp phát sinh hoặc tiến hành giải quyết các vấn đề liên quan tới hoạt động của luật sư, trước tiên các bên phải căn cứ vào luật chuyên ngành điều chỉnh để giải quyết.
Ths Lương Khải Ân, Đoàn Luật sư TP.HCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét