Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

KẾT QUẢ KÝ KẾT, GIA NHẬP CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN VÀ VẤN ĐỀ NỘI LUẬT HÓA VÀO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

ĐẶNG TRUNG HÀ – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp

Tham gia các Công ước quốc tế, trong đó có các công ước về nhân quyền là một chủ trương thường xuyên và nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Ngoài việc gia nhập bốn Công ước quốc tế Giơ-ne-vơ (1949) về bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh năm 1957, Việt Nam chỉ đủ điều kiện tham gia các Công ước quốc tế về nhân quyền sau khi trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977.

Kể từ đó, cùng với các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam là chỗ dựa vững chắc cho phong trào độc lập dân tộc và trong cuộc đấu tranh vì các nhân quyền tại Liên hợp quốc và các tổ chức, diễn đàn quốc tế khác. Để phát huy tốt vai trò, tiếng nói, nâng cao uy tín quốc tế và hội nhập vào đời sống chính trị quốc tế, Việt Nam dần dần đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế quan trọng về nhân quyền.

1. Kết quả ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế về nhân quyền.

Công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng đầu tiên Việt Nam ký kết là Công ước quốc tế về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, viết tắt tiếng Anh là CEDAW, được Đại Hội đồng LHQ thông qua ngày 18/2/1979 và có hiệu lực ngày 3/9/1980. Việt Nam ký Công ước này ngày 27/11/1981 và phê chuẩn tháng 2/1982.

Ngày 9/6/1981, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về Xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, viết tắt tiếng Anh là CERD. Công ước này được Đại Hội đồng LHQ thông qua ngày 21/12/1965 và có hiệu lực từ ngày 4/1/1969.

Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, viết tắt tiếng Anh là CESCR, và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị, viết tắt tiếng Anh là CCPR, được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Việt Nam gia nhập 2 Công ước này ngày 24/9/1982.

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu á và nước thứ 2 trên thế giới trở thành thành viênCông ước về Quyền trẻ em sau khi ký Công ước này tháng 1/1990 và phê chuẩn ngày 20/2/1991. Việt Nam cũng đã phê chuẩn 2 Nghị định thư bổ sung của Công ước Quyền Trẻ em (Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về chống sử dụng trẻ em trong mãi dâm, tranh ảnh khiêu dâm).

Mới đây nhất, ngày 22-10-2007, Đại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã ký Công ước về Quyền của người tàn tật và hiện chúng ta đang quá trình nghiên cứu trình Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước này. Việt Nam cũng đã ký và đang trong quá trình nghiên cứu phê chuẩn Quy chế Toà án hình sự quốc tế ICC.

Việt Nam chưa tham gia một số điều ước quốc tế quan trọng về nhân quyền nhưCông ước Quốc tế về Chống các hình thức tra tấn và nhục hình vô nhân đạo khác, viết tắt tiếng Anh là CAT, và Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ, viết tắt tiếng Anh là MWC. Việt Nam cũng chưa tham gia 2 Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị và Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Ngoài các điều ước quốc tế về nhân quyền chính trên, Việt Nam đã tham gia các Công ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, bao gồm:

Nghị định thư bổ sung Công ước Giơ-ne-vơ về bảo hộ nạn nhân trong các cuộc xung đột quốc tế (Việt Nam gia nhập ngày 28/8/1981); Công ước Quốc tế về Ngăn ngừa và Trừng trị Tội ác Diệt chủng (1948), Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981; Công ước Quốc tế về Ngăn chặn và Trừng trị Tội ác A-pác-thai (1973), Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981; Công ước Quốc tế về Không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các Tội phạm Chiến tranh và Tội chống Nhân loại (1968), Việt Nam gia nhập ngày 4/6/1983. Sau khi trở thành thành viên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 1994 Việt Nam đã gia nhập nhiều Công ước của Tổ chức này như Công ước số 5 về tuổi tối thiểu của trẻ em được tham gia lao động công nghiệp (1919); Công ước số 6 về làm việc ban đêm của trẻ em trong công nghiệp (1919); Công ước số 14 về quy định nghỉ hàng tuần cho lao động công nghiệp (1921); Công ước số 27 về ghi trọng lượng trên các kiện hàng lớn chở bằng tàu biển (1929); Công ước số 45 về sử dụng lao động nữ trong hầm mỏ (1935); Công ước số 80 về xem xét lại các điều khoản cuối cùng (1946); Công ước số 81 về thanh tra lao động trong công nghiệp và thương mại (1947); Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ (1951); Công ước số 111 về không phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp (1958); Công ước số 116 về xem xét lại các điều khoản cuối cùng (1961); Công ước số 120 về vệ sinh trong thương mại và văn phòng (1964); Công ước 123 về tuổi tối thiểu được làm những công việc trong hầm mỏ (1965); Công ước số 124 về kiểm tra sức khoẻ cho thiếu niên làm việc trong hầm mỏ (1965); Công ước số 155 về an toàn lao động, vệ sinh lao động và môi trường làm việc (1981); Công ước số 182 về nghiên cứu và hành động ngay lập tức để xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (2000); Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc(2007).v.v…

Trong các Công ước trên, khi tham gia Việt Nam thực hiện quyền bảo lưu một số điểm. Với Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Việt Nam bảo lưu các Điều 17(1), 18(1) về hạn chế không cho một số nước tham gia Công ước, và Điều 22 về việc sử dụng Toà án Quốc tế giải quyết các bất đồng liên quan tới Công ước. Ta bảo lưu các Điều 9 về sử dụng Toà án Quốc tế, Điều 12 về quyền của các lãnh thổ quản thác và Điều 11 về hạn chế việc tham gia của một số quốc gia khi tham gia Công ước về tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Với Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự, Chính trị, ta bảo lưu Mục 1 Điều 26 và  Mục 1 Điều 48 về cấm không cho một số quốc gia tham gia Công ước. Việt Nam bảo lưu Mục 1 Điều 29 về sử dụng trọng tài và Toà án quốc tế trong Công ước Quốc tế về Xoá bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ. Các bảo lưu này của ta chủ yếu xuất phát từ lập trường của ta đối với các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Danh sách các công ước quốc tế cơ bản  về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên

- Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979 (ký Công ước này ngày 27/11/1981 và phê chuẩn tháng 2/1982).

- Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hoá và xã hội (gia nhập ngày 24/9/1982).

- Công ước quốc tế về các quyền dân sự  chính trị năm  1966 (gia nhập ngày 24/9/1982).

- Công ước về quyền trẻ em (ký tháng 1/1990 và phê chuẩn ngày 20/2/1991). Việt Nam cũng đã phê chuẩn 2 Nghị định thư bổ sung của Công ước Quyền Trẻ em (Nghị định thư không bắt buộc về trẻ em trong xung đột vũ trang và Nghị định thư không bắt buộc về chống sử dụng trẻ em trong mãi dâm, tranh ảnh khiêu dâm).

Ngoài ra, chúng ta cũng đã là thành viên của một số các công ước khác, như:

- Công ước quốc tế về xoá bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc năm 1966 (gia nhập ngày 9/6/1981)

- Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng năm 1948 (gia nhập ngày 9/6/1981).

– Công ước về ngăn chặn và trừng trị tội ác A-pác-thai năm 1973 (Việt Nam gia nhập ngày 9/6/1981).

Việt Nam gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng về nhân quyền ngay vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, trong bối cảnh thực lực nền kinh tế trong nước còn rất yếu, cơ bản là nhờ vào sự viện trợ, giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô. Việc khôi phục lại đất nước sau chiến tranh đã là một gánh nặng quá sức đối với một dân tộc đã chịu quá nhiều mất mát trong thời kỳ kháng chiến. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, sự gia nhập các điều ước quốc tế về nhân quyền của Việt Nam trong thời kỳ này là một minh chứng hùng hồn đối với cả thế giới về nỗ lực phi thường của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ nhân quyền.

Nếu so sánh sự khác nhau về bối cảnh trong nước và quốc tế của tình hình lúc đó, với thời gian Việt Nam tiến hành soạn thảo Báo cáo quốc gia về việc thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền, đặc biệt trong những năm đầu của thế kỷ 21, càng cho thấy những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tham gia hầu hết các Công ước quốc tế chính về nhân quyền là nỗ lực to lớn của Nhà nước và nhân dân ta, mặt khác đó là một thành tích được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Việc tham gia các Công ước quốc tế này thể hiện cam kết và quyết tâm cao độ của Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy và tôn trọng các nhân quyền cũng như các quy định của luật pháp quốc tế về nhân quyền.

2. Vấn đề nội luật hoá

2.1. Nghĩa vụ  chuyển hoá các quy định của điều ước quốc tế về nhân quyền vào hệ thống pháp luật quốc gia.

          Nghĩa vụ chuyển hoá các quy định của điều ước quốc tế nói chung và điều ước quốc tế về nhân quyền nói riêng đã được ghi nhận trong bản thân các công ước mà Việt Nam là thành viên cũng như pháp luật về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế trong nước.

Khác với nhiều nước, Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) không quy định về việc chuyển hoá điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết vào pháp luật trong nước. Tuy nhiên, vấn đề này đã được quy định cụ thể trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

Khoản 3 Điều 6 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 quy định:  "Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó."

          Cũng như mọi điều ước quốc tế, yêu cầu thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền phải trên cơ sở các nguyên tắc của Luật điều ước quốc tế[1]. Nhưng do  đặc thù của công ước về nhân quyền, nên nghĩa vụ của quốc gia thành viên đối với các hoạt động nhằm đưa các Công ước này vào thực hiện trong điều kiện pháp luật quốc gia về phương diện lập pháp lại có những yêu cầu riêng, cụ thể.

Quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của việc thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền. Đối với các công ước quốc tế về nhân quyền, đây là một trong những nghĩa vụ thiết yếu của quốc gia thành viên, vì những chuẩn mực quốc tế về các quyền và tự do cơ bản của con người không thể nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật quốc gia. Việc chuẩn hoá các tiêu chí có tính chất quốc tế về nhân quyền theo quy định của từng công ước đối với mỗi quốc gia là một trong số các nghĩa vụ bắt buộc, mặc dù công ước chấp nhận có những hạn chế nhất định do sự khác biệt về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật của từng nước. Điều 2 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 quy định "mỗi quốc gia thành viên của công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội"; "…2. Trong trường hợp quy định trên đây chưa được thể hiện bằng các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp khác thì mỗi quốc gia thành viên của công ước này cam kết sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết phù hợp với quy trình nêu trong Hiến pháp của mình và những quy định của công ước này để ban hành pháp luật và những biện pháp cần thiết khác, nhằm mục đích thực hiện có hiệu quả các quyền được công nhận trong công ước này."

Cách quy định của công ước về các quyền dân sự và chính trị 1966 đối với nghĩa vụ phải ban hành văn bản pháp luật trong nước để thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền của quốc gia thành viên được thể hiện ở nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền khác. Đây là một trong số các hoạt động pháp lý thuộc nghĩa vụ thành viên các công ước quốc tế về nhân quyền. Nhưng hoạt động nhằm xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia đảm bảo cho việc thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền tại các quốc gia thành viên không chỉ bó hẹp trong động thái pháp lý của Nhà nước để ban hành văn bản pháp luật. Nghĩa vụ này còn được thực hiện với yêu cầu cao hơn, đó là việc quốc gia thành viên bằng các hoạt động pháp lý của Nhà nước tạo ra sự tương thích giữa hệ thống các quy phạm pháp luật trong nước về nhân quyền với các cam kết quốc tế của quốc gia tại các công ước quốc tế về nhân quyền. Đây thực chất là quá trình làm cho các quy phạm của công ước quốc tế về nhân quyền có hiệu lực như quy phạm pháp luật trong nước để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền.

2.2. Thực tiễn công tác nội luật hoá

Việc chúng ta đã tham gia  bảy văn kiện pháp lý chính yếu và nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến nhân quyền là kết quả to lớn của các cố gắng của Nhà nước và nhân dân ta trong hội nhập quốc tế về cam kết bảo đảm tôn trọng và thực hiện các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế về nhân quyền. Đồng thời, việc này cũng đưa đến những trách nhiệm và nghĩa vụ lớn đối với Nhà nước ta trong việc thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến các điều ước quốc tế mà ta tham gia, trước hết là trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp.

Một trong những nguyên tắc lập pháp cơ bản của Nhà nước CHXHCN Việt Nam khi tham gia các quan hệ quốc tế là "nghiêm chỉnh tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam  là thành viên" (Khoản 6 Điều 3 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005) . Dưới góc độ lập pháp, trong trường hợp việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, cơ quan đề xuất ký kết, tham gia và các cơ quan nhà nước hữu quan có trách nhiệm tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản đó theo quy định của pháp luật.

Một trong những thuận lợi cho công tác "nội luật hoá" các điều ước quốc tế về nhân quyền là ở chỗ tự bản thân pháp luật Việt Nam mà tiểu biểu là qua bốn Hiến pháp đã được ban hành đã hoàn toàn phù hợp và ghi nhận hầu hết các quyền cơ bản của con người được quy định trong  hai Công ước quốc tế quan trọng nhất về nhân quyền và trong Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền năm 1948.

  Xuyên suốt cả bốn Hiến pháp của nước ta, quyền tự do của con người luôn luôn được đề cao.Quá trình xây dựng bốn Hiến pháp (Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992) cho thấy Nhà nước ta đã quyết tâm cao độ để đưa các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào văn kiện luật pháp tối cao của đất nước. Trong quá trình lập hiến, các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hoá, quyền của trẻ em, phụ nữ, của người thiểu số … ngày càng được thể hiện rõ nét, đầy đủ, ngày càng được hoàn thiện cả về bề rộng và bề sâu, được bảo đảm bằng các cơ chế, biện pháp thực hiện hiệu quả hơn. Đương nhiên, ở mỗi Hiến pháp sau các quyền công dân, nhân quyền không phải là sự sao chép các quy định của Hiến pháp trước. Các chế định pháp luật có tính vận động và phát triển theo nguyên tắc kế thừa biện chứng và ngày một hoàn chỉnh.

Sự phát triển và ngày một hoàn chỉnh của chế định quyền công dân, những quyền cơ bản của con người ở đất nước Việt Nam được thể hiện rõ rệt về các nhân quyền. Điều 50 Hiến pháp 1992 quy định: "ở nước CHXHCN Việt Nam, các nhân quyền về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật".

          Quyền bầu cử được cụ thể hoá thành định chế hoàn chỉnh trong Luật bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác về thể lệ bầu cử. Quyền dân chủ về chính trị trong một xã hội thật sự dân chủ bảo đảm công dân được tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Điều 53 của Hiến pháp 1992 khẳng định: "Công dân có quyền tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý".

          Hiến pháp 1992 đặc biệt nhấn mạnh các quyền khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc làm trái pháp luật của các cơ quan Nhà nước. Quyền này cũng đã được cụ thể hoá thành Luật khiếu nại, tố cáo, Luật tổ chức Toà hành chính và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (1996). Từ khiếu nại đến khiếu kiện là một phát triển lớn của luật pháp.

          Các quyền kinh tế cũng có sự phát triển mạnh mẽ ở Hiến pháp 1992. Điều 58 của Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, vốn và các tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác". Nội dung quyền sở hữu cá nhân đã được cụ thể hoá thông qua hàng loạt văn bản pháp luật như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, …. Các quyền xã hội và văn hoá đã được bổ sung trong Hiến pháp 1992 và các luật liên quan như Luật Giáo dục, Luật Quốc tịch, Bộ luật Lao động …

          Tổng quát lại, từ năm 1987 khi sự nghiệp đổi mới bắt đầu, cùng với Hiến pháp 1992, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật các loại, trong đó có nhiều Bộ luật quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giáo dục, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Dân sự, Luật Toà án Hành chính, Luật Báo chí, Luật Công đoàn, Luật Đất đai, Luật Công ty và Doanh nghiệp Tư nhân, Luật Xuất bản, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em, Luật Phổ cập Giáo dục Tiểu học, Luật Bảo vệ Sức khoẻ Nhân dân, Luật Quốc tịch, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng Nhân dân Các cấp, Luật Trợ giúp pháp lý ….

          Những thành tựu do lớn về lập pháp mà Việt Nam đã đạt được trong hơn hai thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới chính là bảo đảm cao nhất về pháp lý để mọi người có cơ hội và điều kiện ngày càng bình đẳng trong việc hưởng thụ các nhân quyền. Đây cũng là các cố gắng to lớn của Nhà nước ta trong việc "nội luật hoá" các quy định về nhân quyền trong các Điều ước Quốc tế về nhân quyền mà nước ta đã tham gia. Thành quả của công tác nội luật hoá các điều ước quốc tế về nhân quyền cũng của Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Các báo cáo của Việt Nam về việc thực hiện Công ước về quyền dân sự – chính trị, Công ước quyền trẻ em và Công ước CEDAW đã được Liên Hợp quốc đánh giá cao, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ nhân quyền.

3. Một số vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Chủ trương tham gia các Công ước Quốc tế về nhân quyền của Nhà nước ta chứng tỏ quyết tâm cao độ bảo đảm thực hiện ngày càng tốt các nhân quyền được cộng đồng quốc tế công nhận. Hoạt động này của ta cũng tạo điều kiện để chúng ta có thêm cơ sở pháp lý đấu tranh với các thế lực thù địch vu cáo Nhà nước ta không tôn trọng các nhân quyền.

Trong thời gian qua, nhất là từ khi đất nước được thống nhất, chúng ta đã có nhiều cố gắng đổi mới và hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó có cố gắng nội luật hoá các quy định của các công ước quốc tế về nhân quyền, tuy nhiên, hệ thống luật pháp của ta vẫn còn thiếu đồng bộ, một số điểm còn thiếu nhất quán và chưa được cụ thể hoá, cần được  tiếp tục hoàn thiện nhằm thực hiện có hiệu quả các quyền được ghi nhận trong các công ước quốc tế về nhân quyền và Hiến pháp. Nhiệm vụ cụ thể hoá luật pháp về các nhân quyền đã được Hiến pháp 1992 quy định là nội dung được ưu tiên trong chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật từ nay đến năm  2020.

Điều đáng ghi nhận là trong thời gian gần đây, hàng loạt các dự luật có liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ quyền của người dân đã và đang được Quốc hội xem xét thông qua. Có thể kể đến như: Luật về người cao tuổi, Luật tiếp cận thông tin, Luật trưng cầu dân ý, Luật bồi thường Nhà nước.Trong thời gian tới, việc sớm ban hành và triển khai thực hiện các luật này sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả hơn các quy định của Hiến pháp cũng như các điều ước quốc tế về nhân quyền. Ngoài ra, cũng cần sớm xây dựng các dự luật khác như: luật về lập hội, luật về biểu tình…. và tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực thể chế mối quan hệ giữa trách nhiệm của nhà nước nói chung, của cơ quan và cá nhân có thẩm quyền nói riêng với cá nhân công dân theo hướng đề cao nhân tố con người, tạo điều kiện cho con người thực hiện đầy đủ các nhân quyền, quyền công dân về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá – xã hội.

Bên cạnh công tác hoàn thiện pháp luật, cũng cần chú ý tới công tác hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền và vấn đề đổi mới, nâng cao nhận thức về nhân quyền.  Trong công tác hoàn thiện thể chế, cần sớm nghiên cứu xây dựng một cơ quan trung ương có chức năng quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ nhân quyền. Cơ quan này có ý nghĩa quan trọng không chỉ nhằm thực hiện các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia mà quan trọng hơn sẽ góp phần thúc đẩy và bảo vệ tốt hơn các quyền công dân. Vấn đề đổi mới thể chế cũng gắn liền với vấn đề thay đổi nhận thức về công tác nhân quyền từ trước đến nay. Theo chúng tôi, đã đến lúc, không nên coi công tác nhân quyền như một vấn đề thuộc về "đối ngoại", vấn đề thuộc về "đấu tranh" mà cần chuyển sang "đối thoại", chuyển từ thế "bị động" – chủ yếu đấu tranh trước các luận điệu vu cáo, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta sang thế "chủ động"- quan tâm tiến hành các biện pháp lập pháp, hành pháp để tạo cơ chế tốt hơn cho cho việc hoàn thiện và nâng cao các nhân quyền, vì lợi ích của nhân dân ta và tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.


[1] Có hai nguyên tắc cơ bản được quy định trong Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế:

- Thứ nhất, nguyên tắc Pacta sunt servanda – nguyên tắc  tận tâm thực hiện cam kết quốc tế. Điều 26 Phần III Công ước Viên về Luật Điều ước năm 1969 quy định nguyên tắc Pacta sunt servanda như sau: "Mọi điều ước đã có hiệu lực đều ràng buộc các bên tham gia điều ước và phải được các bên thi hành với thiện ý"

- Thứ hai, nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của các điều ước quốc tế về nhân quyền một cách thực tế trong phạm vi lãnh thổ của các quốc gia thành viên (theo Điều 29 Công ước Viên 1969 về luật điều ước quốc tế)

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN  ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ:

http://www.moj.gov.vn/p/tag.idempotent.render.userLayoutRootNode.target.n65.uP

0 nhận xét:

Đăng nhận xét