GS.TS. NGUYỄN ĐĂNG DUNG – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
Ở nước ta, Điều 69 của Hiến pháp 1992 có quy định về quyền được thông tin của công dân. Theo quy định trong Công ước về quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc – Việt Nam đã tham gia Công ước này – quyền được thông tin là quyền con người, là một phần của quyền tự do ngôn luận. Trên thế giới, nhiều nước đã có luật về quyền được thông tin từ hàng trăm năm trước1. Việt Nam, do những điều kiện khách quan và chủ quan, gần đây, chúng ta mới quan tâm đến việc xây dựng đạo luật này. Việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin là một bước tiến quan trọng để người dân thực hiện quyền hiến định của mình.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, đất nước ta bước vào thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm. Trong các cuộc kháng chiến, bảo mật thông tin luôn là một trong những yêu cầu quan trọng. Các phong trào không nói, không biết, không tin trong những giai đoạn kháng chiến được coi là "kế sách kháng chiến". Rồi trong thời kỳ nền kinh tế được điều hành theo cơ chế tập trung, bao cấp, chúng ta cũng chỉ có thông tin từ một phía. Trong các giai đoạn lịch sử ấy, hầu như chỉ có luồng thông tin tuyên truyền một chiều từ Trung ương, Nhà nước xuống cho người dân. Người dân luôn là người bị động, chỉ tiếp thu các nguồn thông tin chính thức của Nhà nước.
Công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế đã giúp xây dựng một hệ thống pháp luật phù hợp với bối cảnh mới của nền kinh tế – xã hội đất nước. Trong hệ thống pháp luật ấy, các quy định về công khai thông tin, về quyền được thông tin của người dân đã được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp 1992, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Báo chí, Luật Kiểm toán nhà nước, Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở… Tuy nhiên, phải nhận thấy là, các quy định về nội dung này còn chung chung, chưa làm rõ trách nhiệm khi quyền tiếp cận thông tin của người dân không được tôn trọng.
Điểm rất thiếu của các quy định trên là vắng bóng các thủ tục thực hiện các quyền và trách nhiệm cung cấp thông tin, như hình thức yêu cầu tiếp cận, hình thức cung cấp thông tin và thời hạn thực hiện chúng… Thiếu các quy định về thủ tục, thì các quy định về nội dung khó có thể thực thi được trên thực tế. Cũng vì vậy mà việc thực thi quyền tiếp cận thông tin ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, công dân có quyền được thông tin qua báo chí về mọi mặt; được gửi tin, bài, ảnh và tác phẩm cho báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của tổ chức, cá nhân nào và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin; được phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.
Các cơ quan báo chí có trách nhiệm: đăng, phát sóng tác phẩm, kiến nghị của công dân; trong trường hợp không đăng hay phát sóng thì phải trả lời và nói rõ lý do; trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; cung cấp thông tin cho báo chí vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các cơ quan và công chức nhà nước.
Chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm công khai kế hoạch kinh tế – xã hội, phương án cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm; công khai các dự án đầu tư, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức của chính quyền cấp cơ sở trong việc cung cấp các loại thông tin như sau: việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ; các khoản huy động đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân; điều chỉnh địa giới hành chính liên quan trực tiếp tới cấp xã; kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tiêu cực, tham nhũng ở xã, thôn, tổ dân phố; kết quả bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; kết quả tiếp thu ý kiến đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của xã; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp xã thu; các quy định pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết công việc liên quan; và những nội dung khác.
Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền công bố công khai danh mục các dự án phát triển nhà ở thương mại trong từng thời kỳ trên phạm vi địa bàn… để người dân có điều kiện được tiếp cận. Cơ quan, tổ chức, cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Trong thời hạn 10 ngày, cơ quan tổ chức và cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin phải cung cấp thông tin; không cung cấp, chưa cung cấp thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Quyền tiếp cận thông tin là thứ quyền khá nhạy cảm. Thông tin – về nguyên tắc – là phải có tính chất "mở", đầu tiên là Chính phủ phải "mở", cơ cấu tổ chức phải "mở", các quyết định phải "mở" để mọi người đều biết và dễ tiếp cận khi cần thiết. Quyền lực nhà nước ta được tổ chức theo ba nhánh: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Trong đó, trong hành pháp là đang thiếu sự "mở" bởi chúng ta hoạt động vẫn theo cơ chế thủ trưởng, quyết định được đưa ra không có sự bàn bạc hoặc có bàn bạc đi chăng nữa, thì khi quyết định, người Thủ trưởng vẫn là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân.
Trên thế giới, khi nói đến tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý của Nhà nước thì cũng phải nói đến các bí mật quốc gia. Chúng ta đã có Pháp lệnh về bí mật nhà nước, có các văn bản dưới luật hướng dẫn rất cụ thể để các cơ quan nhà nước thực hiện sự giữ gìn bí mật nhà nước. Điều đáng nói ở đây là những nội dung gì được đưa vào danh mục bí mật nhà nước đều do chính các cơ quan nhà nước đề xuất và thực hiện. Điều này dẫn đến một hệ luỵ là, các cơ quan nhà nước sẽ không ngần ngại quy định một cách tràn lan những vấn đề cần phải bảo mật của họ với lập luận "cẩn tắc vô áy náy". Phải nói một cách công bằng là lập luận này đã thành một thói quen trong công việc của công chức nhiều cơ quan nhà nước.
Pháp lệnh về bí mật nhà nước chắc chắn gây khó khăn cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nhưng nó không thể không có vì những lợi ích lớn hơn. Điều đáng nói là, dựa vào Pháp lệnh, nhiều người giữ thông tin nhà nước đã tìm cách bưng bít thông tin. Động cơ của hành vi này rất khác nhau, có người bưng bít để vụ lợi cho chính bản thân và người thân của mình, có người lại bưng bít để dễ dàng hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng của mình. Có người bưng bít thông tin chỉ vì là thói quen…
Hiện nay, việc bưng bít thông tin diễn ra rõ nhất trên các lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, các dự án ưu đãi, các bản quy hoạch… Lòng dân không an vì tệ tham nhũng, vì không có thông tin hay cơ hội phát biểu chính kiến về các vấn đề họ đang gặp phải. Khiếu nại, tố cáo không ngừng nghỉ, nhiều nhất là các khiếu nại về đất đai. Mà nguyên nhân chủ yếu của các vụ khiếu nại đất đai là do chính quyền không thông tin đầy đủ đến người dân. Bưng bít thông tin như thế gây nên tình trạng bất bình đẳng về thông tin và có thể sẽ dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về tài sản. Ví dụ, quy hoạch đất đai không công khai, minh bạch nên nhiều đối tượng sẽ trục lợi từ việc này, còn người thiếu thông tin sẽ bị thiệt hại.
Từ thực trạng pháp luật như vậy, nên việc xây dựng Luật Tiếp cận thông tin là một yêu cầu cấp thiết. Nắm được thông tin và xử lý thông tin là những điều kiện quan trọng để thực thi quyền lực, dù đó là quyền lực của Nhà nước hay quyền hiến định của các công dân. Luật Tiếp cận thông tin sẽ tạo một thói quen mới trong quá trình tiếp cận thông tin của người dân và của toàn xã hội. Thói quen cung cấp thông tin, đón nhận thông tin phản hồi, xử lý chính xác các thông tin mình có là các thói quen tốt của xã hội dân sự. Luật Tiếp cận thông tin cũng sẽ là một phương tiện hữu hiệu để đảm bảo nguyên tắc hoạt động quyền lực Nhà nước "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Tuy nhiên, xây dựng Luật Tiếp cận thông tin không hề đơn giản. Một trong những điểm khó khăn nhất chính là việc xác định ranh giới giữa những cái được xác định là "mật" và "không mật". Cố gắng hết sức để tránh tình trạng cái cần công khai lại bị giữ bí mật (như quy hoạch đô thị, phương án bồi thường đất đai bị giữ bí mật nên nhiều người được lợi và nhiều người bị thiệt không chính đáng), hoặc những thông tin đang trong giai đoạn phải giữ bí mật thì lại cho công khai, tạo thành dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của các cơ quan công quyền (nhất là quá trình tố tụng).
Báo chí là một kênh để người dân tiếp cận thông tin. Bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của báo chí cũng là bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công chúng. Nhưng cần thiết phải có những quy định cụ thể loại thông tin, tài liệu nào cần được công khai, loại thông tin, tài liệu nào là mật. Không thể có chuyện bất cứ thông tin nào mà cơ quan nhà nước nếu không muốn cho người dân biết thì cũng có thể đóng dấu "mật" và ngược lại, báo chí lại tự do đưa các thông tin mật hay chưa được phép công bố lên mặt báo.
Luật Tiếp cận thông tin sẽ quy định cụ thể các thủ tục làm việc với công chức chính quyền, với các cơ quan nhà nước để người dân có được các thông tin mình cần, không còn lúng túng hay phải chứng kiến thái độ "đùn đẩy", "hách dịch" của các công chức.
Luật Tiếp cận thông tin cũng phải đặt ra trách nhiệm của công chức trong việc cung cấp thông tin. Nếu công chức – trong thẩm quyền của mình – không cung cấp, cung cấp thông tin sai hoặc không đúng hạn theo yêu cầu hợp pháp của công dân thì công chức đó phải chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước, thậm chí có thể phải ra tòa án khi bị công dân kiện. Và không đơn giản chỉ dừng lại ở việc từ chức, bãi nhiệm, bãi miễn… mà có thể phải lãnh án, tùy mức độ nặng nhẹ.
Minh bạch thông tin là yêu cầu cấp thiết trong một xã hội văn minh. Việc thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý nhà nước và thiếu cơ chế tiếp cận thông tin là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, lạm quyền. Trong Luật Tiếp cận thông tin, quyền được thông tin của công dân phải được quy định cụ thể thành trình tự, thủ tục bảo đảm quyền được biết, quyền được nhận, quyền được tiếp cận và quyền được phổ biến, được chia sẻ thông tin một cách tự do. Như vậy, xây dựng Luật Tiếp cận thông tin là một bước hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, nhằm bảo đảm thực hiện các quyền công dân một cách tốt hơn.
(1) Thụy Điển đã có luật về quyền được thông tin cách đây 300 năm.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/ban_ve_du_an_luat/van-hoa-xa-hoi/phap-luat-ve-bao-111am-quyen-111uoc-thong-tin-cua-cong-dan-va-viec-xay-dung-luat-tiep-can-thong-tin
0 nhận xét:
Đăng nhận xét