Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Mong manh ranh giới giết người hay cố ý gây thương tích

Trong nhiều hội nghị của ngành tòa án, việc làm sao phân biệt hai tội cố ý gây thương tích và giết người đã được đưa ra bàn thảo, rút kinh nghiệm.

Dù vậy đến nay, hai tội này vẫn làm các cơ quan tố tụng phải nhức đầu bởi ranh giới giữa chúng rất mong manh, dễ nhập nhằng.

Nhiều vụ án người phạm tội dùng hung khí nguy hiểm là những vật cứng đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể nạn nhân như đầu, ngực… Các cơ quan tố tụng lại có những quan điểm trái ngược khi xác định hành vi này phạm tội giết người (Điều 93 BLHS) hay cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS).

Nơi cố ý gây thương tích

TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) từng nhiều lần phải trả đi trả lại hồ sơ một vụ hai băng nhóm thanh toán nhau do không đồng tình với VKS quận này về tội danh truy tố.

Theo hồ sơ, sau lúc đánh lộn với một nhóm thanh niên khác, trên đường đi tìm đối thủ trả thù, Phương, Duy, Dễ và Huy đã xông vào đánh hội đồng hai người đi xe máy trên đường làm một người bị chấn thương sọ não, tỉ lệ thương tật 46% vĩnh viễn.

Sau đó, VKS quận Bình Thạnh truy tố Duy và Dễ về hai tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng, Phương về tội cố ý gây thương tích, Huy tội gây rối trật tự công cộng. Xử sơ thẩm, TAND quận cho rằng việc Dễ dùng cây đánh thẳng vào đầu anh L. gây thương tích nặng là có dấu hiệu của tội giết người chứ không phải cố ý gây thương tích nên đã hoãn xử để trả hồ sơ điều tra bổ sung và báo cáo lên TAND TP.

Tuy nhiên, TAND TP lại không đồng ý truy tố Dễ về tội này nên đã trả ngược hồ sơ về cho VKS quận Bình Thạnh. Cạnh đó, quá trình điều tra cũng không chứng minh được nhóm Phương có hành vi giết người như quan điểm của tòa nên VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, chỉ truy tố Phương thêm tội cố ý gây thương tích. Cuối cùng, tòa phạt Phương năm năm sáu tháng tù, Dễ ba năm sáu tháng tù, Duy ba năm tù về tội cố ý gây thương tích, Huy sáu tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.

Ranh giới giữa hai tội danh giết người và cố ý gây thương tích rất dễ nhập nhằng khi xử án. Ảnh minh họa: HTD

Nơi giết người

Mới đây, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Thế Nghĩa sáu năm tù về tội giết người. Trước đó, vụ án này cũng gặp rắc rối bởi cơ quan điều tra và VKS không thống nhất quan điểm về tội danh.

Nghĩa là chủ một quán ăn. Một buổi tối, vì đã muộn nên người phục vụ quán yêu cầu ông V. tính tiền ra về để dọn đóng cửa nhưng ông V. không chịu nên hai bên nảy sinh cãi cọ. Bực tức, ông V. hất đổ bàn ăn. Thấy vậy, Nghĩa từ trong chạy ra, dùng một chiếc ghế nhựa đập trúng đầu ông V. Khi ông V. ngã gục xuống, Nghĩa kéo lê ông ra khỏi quán, bỏ phía bên kia đường.

Một lát sau, ông V. tỉnh lại và tiếp tục chạy vào quán gây sự. Nghĩa dùng tay xô ra và ông V. lại té ngã, ngất xỉu rồi nôn ra dịch đen. Cho rằng ông V. chỉ bị say nên Nghĩa kêu gia đình ông V. tới đưa về nhà. Rạng sáng hôm sau, ông V. bị hôn mê, khó thở. Gia đình đưa ông vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi vì chấn thương sọ não.

Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội chỉ khởi tố Nghĩa về hành vi cố ý gây thương tích nhưng VKSND cùng cấp đã yêu cầu điều tra theo hướng Nghĩa phạm tội giết người. Cùng quan điểm, xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã phạt Nghĩa như trên.

Không giết người, cũng chẳng cố ý…

Tháng 9-2008, TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) đã tuyên phạt ba anh em Trần Văn Hải, Trần Thanh Điền mỗi người một năm chín tháng tù, Trần Thanh Bình một năm năm tháng năm ngày tù về tội chống người thi hành công vụ.

Tháng 4-2007, Hải cùng đồng phạm xông vào trụ sở công an, lấy dao đâm một cán bộ năm nhát vào vùng ngực trái và bụng. Thụ lý, cơ quan điều tra công an quận nhận định Hải chỉ có hành vi chống người thi hành công vụ nên chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố về tội này.

Từ báo cáo của TAND quận Gò Vấp, TAND TP.HCM đã cho rằng việc Hải dùng dao đâm vào vùng ngực trái là nơi trọng yếu của cơ thể nạn nhân, có dấu hiệu của tội giết người nên rút hồ sơ lên, chuyển cho VKS TP ra cáo trạng truy tố về tội giết người.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, công an không chứng minh được động cơ giết người của Hải, đồng thời Hải chỉ gây thương tích nhẹ cho nạn nhân nên VKS TP lại chuyển vụ án ngược lại cho VKS quận Gò Vấp điều tra bổ sung về tội cố ý gây thương tích. Ngặt một nỗi, nạn nhân lại không đồng ý đi giám định thương tật cũng như không có yêu cầu xử lý hình sự nên các cơ quan tố tụng quận Gò Vấp bó tay. Cuối cùng, họ chỉ xét xử Hải được mỗi tội chống người thi hành công vụ.

Tranh cãi cả ở cấp tối cao

Giữa năm 2008, VKSND Tối cao đã kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại vụ Vũ Hoàng Lâm về tội giết người.

Tháng 1-2005, ông Đ. (Việt kiều) về thăm quê. Trên đường đi mời khách dự đám cưới em trai, ông bị Vũ Hoàng Sơn ném đá, chửi mắng. Ông Đ. dừng xe thì Sơn bỏ chạy vào nhà. Sau đó, nhiều người nhà Sơn xông ra, trong đó Vũ Hoàng Lâm (anh Sơn) cầm một con dao lớn nhắm thẳng mặt ông Đ. chém. Bị một nhát dao vào mặt, ông Đ. chưa kịp bỏ chạy thì bị Lâm vung dao chém tiếp vào đầu. Ông đưa hai tay lên đỡ đầu nên tay nát như băm, máu chảy ướt đẫm cả quần áo. Ông cố gượng bỏ chạy, Lâm truy đuổi chém thêm hai nhát vào lưng. Chỉ khi có nhiều người can thiệp Lâm mới dừng cuộc truy sát. Theo kết luận giám định, ông Đ. bị thương tật 58%.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng hành vi của Lâm chỉ là cố ý gây thương tích và phạt Lâm 10 năm tù. Không đồng tình, người nhà ông Đ. kháng cáo. Xử phúc thẩm, đại diện VKS cũng đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM chuyển tội danh từ cố ý gây thương tích sang giết người. Sau khi nghị án, tòa phúc thẩm đã không đồng ý với đề nghị này và tuyên y án sơ thẩm. Sau đó, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm và đến nay vụ án vẫn chưa có hồi kết.

Định tội sai, hệ lụy lớn

Việc xác định sai tội giết người với cố ý gây thương tích gây nhiều hệ lụy lớn. Trước hết, bản án có thể bị hủy để điều tra, xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, quá trình giải quyết án bị kéo dài làm tất cả các bên đều mệt mỏi. Cạnh đó, một người có thể bị tội nặng hơn hoặc lọt người, lọt tội. Thậm chí có trường hợp, nếu xác định là hành vi giết người thì thủ phạm phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng nếu xác định là tội cố ý gây thương tích thì thủ phạm thoát tội vì chưa đủ tuổi. Đó là chưa kể nhiều trường hợp chuyển từ tội giết người sang tội cố ý gây thương tích, nếu chỉ đủ cơ sở để xét xử theo khoản 1 Điều 104 BLHS thì lại vướng thủ tục là chỉ được khởi tố theo yêu cầu của nạn nhân...

Một thẩm phán TAND Tối cao

Xem xét toàn diện

Thực tiễn có hai trường hợp rất dễ gây nhầm lẫn: Giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích và giết người với cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.

Về mặt khách quan thì giữa giết người chưa đạt với cố ý gây thương tích rất giống nhau nhưng về mặt chủ quan thì giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn nạn nhân chết nhưng hậu quả không xảy ra là ngoài ý muốn của họ, còn cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ muốn gây thương tích cho người khác chứ không muốn làm chết người. Để xác định chính xác ý thức chủ quan này, cơ quan tố tụng phải đánh giá, đối chiếu, phân tích các tình tiết khách quan một cách toàn diện.

Tương tự, hành vi giết người và cố ý gây thương tích dẫn đến chết người cũng phải phân tích mặt chủ quan để xác định. Các tình tiết khách quan được coi là phương pháp để xác định lỗi chủ quan của người gây án. Chẳng hạn như dùng vật gì phạm tội, mức độ nguy hiểm của vật đó ra sao; cách thức thực hiện tội phạm... Cần phải kết hợp những tình tiết đó với những tình tiết khác như trình độ nhận thức, tuổi tác của người phạm tội và nạn nhân, tính tình thường ngày, quan hệ giữa họ...

Cơ quan tố tụng phải tìm ra được câu trả lời về mục đích, động cơ phạm tội; người phạm tội có thấy trước hậu quả chết người, mong muốn hay để mặc nó xảy ra hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể mà định tội, khó có thể nêu thành những nguyên tắc chung.

Thạc sĩ Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM.

Cần văn bản hướng dẫn

Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể từ TAND Tối cao để áp dụng chung. Bởi trong thực tế, không dễ để cơ quan tố tụng có điều kiện xác định chi ly những hành vi, tình tiết để chứng minh được ý thức của bị cáo, chưa kể đến các yếu tố khác như bị cáo khai báo bất nhất, phản cung...

Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao

THANH TÙNG - HỒNG TÚ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét