Nguyễn Văn Nam bấm điện thoại "nhoay nhoáy". |
Có chuyện gì anh không thể làm không? Nói Nguyễn Văn Nam không có tay là chưa chính xác lắm. Đúng hơn anh cũng có đầy đủ các bộ phận như người bình thường, nhưng chúng chỉ bị teo nhỏ lại thôi. Những ngón tay của anh chỉ là mụn xương lúc lắc. Bàn tay không nở xòe ra mà cuộn tròn lại thành nắm thịt. Đoạn cánh tay từ cổ tay đến cùi chỏ bị thu ngắn lại chỉ bằng một gang tay người thường. Hai tay anh đều bị như thế cả. Hai bàn chân anh không cong mà tròn và chỉ có ba ngón. Anh kể bị như thế là do mẹ anh uống thuốc giun khi anh tròn ba tháng tuổi. Người ta cứ tưởng là anh bị chất độc màu da cam. Lớn lên với những khuyết tật như thế, nhưng "mọi người làm được điều gì thì mình làm được điều ấy", cười sảng khoái vị giám đốc trẻ khẳng định như vậy. Quen anh trong Ngày hội Tiếng hát người khuyết tật đêm 26/3/2007 ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương, lúc xin địa chỉ, anh giành lấy cây viết trên tay tôi để ghi địa chỉ. Móc chiếc điện thoại nắp gập ra, anh đề nghị: "Chúng ta trao đổi điện thoại đi". Rồi một tay đỡ phía sau điện thoại, một tay kia nhấn phím. Để nghe điện thoại, anh dùng hai tay cầm điện thoại. Hầu như làm mọi việc anh đều phải dùng hai tay cả, từ ăn cơm bằng đũa, uống nước đến lái xe đạp, xe máy và ô tô. Hỏi về chiếc chân bị tật, anh nhanh nhẹn tháo giày, cởi vớ cho tôi xem và cũng tự mang vớ vào dễ dàng. Chuyện ngày xưa lúc mới đi học anh cũng nhớ rõ mồn một. Năm ấy, nhìn lũ bạn đi học, anh đòi đến trường. Nhưng bà ngoại và mẹ bảo anh có viết được đâu mà đi học. Thế là anh cầm phấn viết ngay chữ O và chữ A. Hỏi: Có chuyện gì anh không thể làm không? Anh suy nghĩ một lát rồi đáp: Nếu cầm chiếc kéo nhỏ quá thì không được. Không bao giờ biết nản! Đến một trung tâm việc làm ở tỉnh Bình Dương, người ta tháo từng linh kiện của chiếc máy vi tính đang chạy ngon lành và bảo anh lắp ráp lại thành công thì mới nhận anh làm việc. Với anh chuyện này không khó, nhưng khi đã hoàn thành công việc, người chủ bào trả lương 400.000 đồng nhưng phải 1,5 tháng sau mới được làm việc. Anh như bị rớt từ chín tầng mây hi vọng xuống. Đó là lần xin việc rất "cay", anh tâm sự. Tốt nghiệp 12, rớt mộng vào Đại học KHTN Hà Nội, anh thi vào trung cấp tin học. Năm sau, anh lại học tại chức Đại học Hàng hải Hải Phòng và mấy năm sau học thêm trung cấp kiểm toán.
Trên đường lập nghiệp của Nam không có bóng dáng của sự sợ hãi và nản lòng.
Có nghề lắp ráp sửa chữa máy tính trong tay, cộng với khả năng học lóm khá nhanh nên anh cũng sống rất nhàn tản. Anh bật mí, lúc đó, chỉ trong một tháng anh có thể học xong lớp lập trình phần mềm. Anh sống bằng những phần mềm mình "crack" được (phần mềm sử dụng không cần bản quyền) và kĩ năng cứu được ổ cứng để phục hồi dữ liệu. Sau đó là thành lập công ty tin học cung cấp máy tính cho các doanh nghiệp.
Công việc đang tốt đẹp thì anh bị lừa, phải bán cả máy móc, trắng tay. Cú sốc đến với anh vào những ngày cuối năm 2003. Ngày 25 Tết, chán nản anh đón tàu từ Hải Phòng lên Hà Nội, rồi từ Hà Nội vào Sài Gòn.
Xuống ga Sài Gòn được nhiều người mách bảo ở Bình Dương có nhiều khu công nghiệp chắc sẽ kiếm được việc làm. Còn 50.000 ngàn anh đón taxi về cầu vượt Sóng Thần rồi... không biết đi đâu. May mắn, một vợ chồng cũng là đồng hương Hải Phòng cho anh ở nhờ trong thời gian tìm việc.
Bước đệm để thành công
Trong hai tuần, anh lang thang khắp các trung tâm việc làm ở Bình Dương nhưng chẳng có ai nhận anh vào làm việc cả. Lúc đó, anh chỉ xin làm duy nhất một nghề là sửa chữa bảo trì máy tính.
Rồi cũng nhờ sự may mắn, anh gặp được chị Huỳnh Tiểu Hương là Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê hương. Anh chỉ xin dạy cho các cháu ở trung tâm không lấy tiền, chỉ cần bữa cơm trưa. Hai tuần sau, chị Tiểu Hương cho anh 5 máy tính để anh mở trung tâm tin học, với 10 học viên đầu tiên. Gần 4 tháng sau, anh xin giấy phép mở trung tâm tin học, ngoại ngữ, dạy nghề mây tre đan. Rồi lại thất bại.
Nhưng thất bại lần này cũng chỉ là bước đệm để anh thành công hơn. Nhận thấy các công ty ở Khu chế xuất, Khu công nghiệp có nhu cầu về dịch vụ bảo vệ, anh bắt đầu mày mò học hỏi cách tổ chức. Anh lân la nói chuyện với những bảo vệ và học vài thế võ. Rồi đi làm quản lý Trung tâm chăm sóc khách hàng của Bưu điện tỉnh Bình Dương.
Khi nhân tài, vật lực đầy đủ, ngày 1/7/2006, anh tuyên bố Công ty dịch vụ bảo vệ Văn Nhân "sẵn sàng chiến đấu tại Bình Dương". Chỉ sau ba tháng, doanh thu của công ty là 1,3 tỷ đồng. Nhưng không chỉ kinh doanh dịch vụ bảo vệ, anh
Mới 28 tuổi với thành quả như vậy cũng "chưa có gì gọi là thành công", Nguyễn Văn Nam nhận định. Nhưng một người khuyết tật như anh, vươn lên từ tay trắng thì quả chín đỏ sau những nỗ lực miệt mài của anh cũng đáng để cho mọi người tấm tắc.
Hiếu Hiền
- Xem thêm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét