Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

QUÁ TRÌNH ĐIỀU CHỈNH CỦA PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THÔI VIỆC HOẶC MẤT VIỆC LÀM Ở VIỆT NAM

NGUYỄN THỊ ANH THƠ

Pháp luật Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ tốt nhất có thể các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đặc biệt khi nền kinh tế chuyển từ cơ chế quản lý tập trung sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh, lao động, bảo hiểm… ngày càng phát triển. Chính vì vậy, nhu cầu phải được pháp luật điều chỉnh nói chung và đặc biệt là đối với lĩnh vực BHXH cho người lao động nói riêng thông qua các quy định của pháp luật với những chế tài hữu hiệu ngày càng trở nên cấp thiết.

Có thể thấy rằng, để điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực BHXH hầu hết các nước trên thế giới đều đã ban hành các đạo luật về BHXH hoặc bảo đảm xã hội. Về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến nay đã có gần 70 quốc gia thực hiện, mà sớm nhất là Vương quốc Anh, bắt đầu thực hiện từ năm 1911, Hợp chủng quốc Hoa kỳ thực hiện vào năm 1935, Cộng hoà Pháp thực hiện năm 1958, Trung quốc bắt đầu thực hiện năm 1986… ở Việt Nam ngày 29/6/2006, Luật BHXH đã được Quốc hội thông qua trong đó quy định thời điểm có hiệu lực thực hiện BHTN từ 01/01/2009.

Xét dưới góc độ tự nhiên, con người suy cho cùng để sống bình thường, ai cũng phải ăn, mặc, ở, đi lại… và đặc biệt là phải lao động. Nhưng cũng vẫn là cuộc sống bình thường, ngày nay cũng là chuyện rất mới. Giữa cái cũ và mới ấy, có thể nhận ra sự khác nhau về cách làm, đó là làm dựa trên kinh nghiệm hay khoa học – công nghệ, thụ động trước những rủi ro hay ta tìm cách chế ngự chúng… Và sự phát triển đó là một quá trình, ví như ngày nay, sức lao động cá nhân hiện đại không còn là tự cung, tự cấp như xưa nữa mà đã là hàng hoá, mà đã là hàng hoá thì lại phụ thuộc vào quan hệ cung – cầu của thị trường lao động, khi cung lớn hơn cầu là vấn đề thiếu việc làm, vấn đề thất nghiệp được đặt ra. Tìm cách hạn chế bớt những rủi ro có thể xảy ra với con người, BHTN đã ra đời, và tuỳ vào điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia mà BHTN được thực hiện sớm hoặc muộn.

Dưới góc độ kinh tế xã hội, BHTN là một biện pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm một cách không tự nguyện, giúp ổn định tạm thời cuộc sống, học nghề và tìm kiếm việc việc làm mới thông qua việc tạo lập một quỹ tiền tệ tập trung do người lao động, người sử dụng lao động đóng góp và hỗ trợ từ phía Nhà nước. Nói cách khác, BHTN được coi là giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của tình trạng thất nghiệp đối với người tham gia BHTN và góp phần điều tiết sự chuyển dịch lao động trong nền kinh tế thị trường.

Xét dưới góc độ pháp lý thì pháp luật về BHTN là tổng hợp những quy phạm pháp luật quy định về việc thu nộp BHTN, chi trả trợ cấp thất nghiệp, đưa người thất nghiệp trở lại làm việc, quản lý quỹ BHTN và các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các bên tham gia vào quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo thông lệ chung của chế độ BHTN, người được hưởng BHTN phải thoả mãn một số điều kiện như: Đang tham gia BHTN, trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, trong khoảng thời gian xác định không có việc làm, đang tìm việc làm và đã đăng ký thất nghiệp theo quy định. Như vậy, chế độ BHTN khác với các chế độ BHXH khác ở chỗ ngoài khoản trợ cấp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động thì nó còn hỗ trợ và tạo điều kiện để người lao động tái hoà nhập vào thị trường lao động.

Ở Việt Nam, xuất phát từ điều kiện kinh tế – chính trị – xã hội trong từng thời kỳ mà pháp luật có các cách thức điều chỉnh khác nhau đối với người lao động thôi việc hoặc mất việc làm. Có thể thấy, ở Việt Nam ngay từ sau khi giành được chính quyền, Nhà nước đã sớm ban hành các quy định về trợ cấp thôi việc đối với người lao động bị mất việc làm như: Nghị định số 01 ngày 01/10/1945 của Bộ Lao động; Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 của Chủ tịch nước; Sắc lệnh số 76/SLngày 20/5/1950 và Sắc lệnh số 77/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước.

Đến năm 1964, các nguyên tắc chung và các nội dung cụ thể của chế độ trợ cấp thôi việc đối với công nhân viên chức được quy định tại Thông tư số 88-TTg ngày 01/10/1964 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung của Thông tư này được thực hiện đến năm 1986, khi nước ta xoá bỏ cơ chế quản lý cũ chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, việc tổ chức lại sản xuất, tinh giảm biên chế làm cho một số lượng lớn người lao động bị mất việc làm hoặc phải chuyển sang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, một số văn bản mang tính chất "tình thế" đã được ban hành trong đó có quy định về việc chi trả và nguồn chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động. Có thể kể đến các văn bản như: Quyết định 227/HĐBT ngày 29/12/1987; Quyết định số 176/HĐBT ngày 9/10/1989 và Quyết định 315/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.

Đến năm 1990, Pháp lệnh Hợp đồng lao động được ban hành. Trong Nghị định số 165/HĐBT ngày 12/5/1992 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Hợp đồng lao động và Thông tư hướng dẫn số 04/LĐTBXH-TT ngày 18/3/1993 đã quy định áp dụng chế độ hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm. Trong đó quy định cụ thể công nhân viên chức đang trong biên chế nhà nước chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động, nếu thôi việc thì được hưởng trợ cấp một ln theo nguyên tắc: Cứ mỗi năm công tác (không tính hệ số quy đổi) được hưởng một tháng lương cơ bản và phụ cấp lương (nếu có) ở thời điểm có quyết định thôi việc. Đối với công nhân viên chức đã chuyển sang ký hợp đồng lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động, ngoài trợ cấp một lần còn được hưởng một số quyền lợi khác.

Ngày 01/01/1995, Bộ luật lao động có hiệu lực thi hành, chế độ trợ cấp mất việc làm được quy định tại Điều 17, mỗi năm làm việc được trợ cấp một tháng lương thấp nhất là 02 tháng lương đối với trường hợp người lao động bị mất việc làm vì những nguyên nhân khách quan, không do ý chí chủ quan của các bên và chưa hết hạn hợp đồng lao động và Điều 42 quy định trợ cấp thôi việc đối với trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao mà không phải do đơn phương chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp hay bị sa thải với mức trợ cấp cho mỗi năm làm việc là 0,5 tháng lương và phụ cấp (nếu có).

Tuy nhiên, cũng như trong thời kỳ trước, do ảnh hưởng của các chính sách về sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà một số văn bản thể hiện sự ưu đãi đối với số lao động dôi dư đã được ban hành, cụ thể:

- Nghị định 41/CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN trong đó quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động được nhận trợ cấp mất việc làm từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại DNNN. Ngoài khoản trợ cấp mất việc làm được tính theo số năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, mỗi năm 01 tháng lương (thấp nhất bằng 02 tháng), người lao động đôi dư còn được hưởng một số ưu đãi khác và thêm 6 tháng lương để đi tìm việc làm mới. Trường hợp lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động có thời hạn từ một đến ba năm khi chấm dứt trước thời hạn được hưởng trợ cấp mất việc làm, trợ cấp 70% lương cho những tháng còn lại của hợp đồng lao động (tối đa bằng 12 tháng). Một số biện pháp nhằm tạo việc làm cho lao động dôi dư đã được đề cập như: nếu người lao động có nguyện vọng học nghề thì được đào tạo tối đa 6 tháng tại cơ sở dạy nghề do Nhà nước cấp kinh phí hoặc tạo điều kiện vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm, được giới thiệu việc làm mới… Nghị định 41/2002/NĐ-CP có hiệu lực đến 31/12/2005 song nội dung của nó lại được áp dụng lại từ ngày 01/01/2007 bằng việc ban hành Nghị định 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ có hiệu lực thi hành đến ngày 30/ 6/2010.

- Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế áp dụng đối với cán bộ công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2011. Trong đó quy định cán bộ công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc ngay được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm, được hưởng trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng BHXH và quy định chế độ học nghề để thôi việc, tự tìm việc làm mới đối với số cán bộ dưới 45 tuổi nếu họ có nguyện vọng.

Có thể thấy rằng, chính sách đối với người lao động bị mất việc làm có tính ổn định không cao, còn bị lệ thuộc vào việc giải quyết các chính sách kinh tế – xã hội khác, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng một hệ thống các quy định pháp luật một cách khoa học, có hệ thống, ổn định lâu dài và còn nhiều bất cập khi dồn gánh nặng chi trả trợ cấp thôi việc vào chủ sử dụng lao động. Thực tế cho thấy, nếu chỉ buộc người sử dụng lao động có trách nhiệm thì không thể giải quyết được toàn diện vấn đề thất nghiệp khi chúng ta chưa thực sự có những biện pháp hiệu quả giúp người lao động tìm việc làm mới. Và điều này được khắc phục bằng việc quy định chế độ BHTN trong Luật BHXH, trong đó quy định về đối tượng bắt buộc tham gia BHTN, mức đóng góp, điều kiện hưởng BHTN, mức hưởng và thời gian hưởng BHTN.

Theo quy định của Luật BHXH số 71/2006/QH11, để hình thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động có trách nhiệm đóng 1% tiền lương, tiền công tháng, chủ sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công của những người tham gia BHTN và NSNN hỗ trợ 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN. Quỹ BHTN được dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian được hưởng phụ thuộc vào số năm đóng BHTN, người lao động được hưởng trong 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN và 12 tháng nếu có đủ từ 144 tháng đóng BHTN trở lên. Bên cạnh khoản chi trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Quỹ BHTN còn được sử dụng để chi cho hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp, chi phí quản lý và đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định.

Ngày 12/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN. Ngày 22/01/2009, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 04/2009/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP. Hệ thống các văn bản này đã tạo ra một hành lang pháp lý để thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động khi bị mất việc làm. Trong đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động để người lao động nhận được trợ cấp thất nghiệp cũng như sự hỗ trợ học nghề và tìm kiếm việc làm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra là trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc người sử dụng lao động có nghĩa vụ nộp hồ sơ tham gia BHTN của mình và của người lao động cho tổ chức BHXH, hồ sơ này gồm có: Tờ khai cá nhân của người lao động và danh sách người lao động tham gia BHTN do người sử dụng lao động lập (theo mẫu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành). Cơ quan BHXH có trách nhiệm theo dõi việc đóng và hưởng BHTN của người lao động thông qua việc cấp và ghi nhận nghĩa vụ đóng góp vào sổ BHXH.

Người lao động tham gia BHTN được hưởng chế độ BHTN khi thoả mãn 3 điều kiện sau:

Một là, người lao động phải đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức.

Hai là, người lao động đã đăng ký với cơ quan lao động trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày bị mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.

Ba là, người lao động đó chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.

Sau khi người lao động nộp hồ sơ hưởng BHTN cho cơ quan lao động, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Hồ sơ hưởng BHTN bao gồm: Đơn đề nghị hưởng BHXH và bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.

Có thể thấy rằng, sớm nhất đến ngày 01/01/2010 người lao động bị mất việc làm đã đóng BHTN đủ 12 tháng mới được giải quyết chế độ BHTN. Cơ quan lao động tổ chức tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ BHTN cho người lao động theo quy định, BHXH Việt Nam có trách nhiệm thu và chi trả trợ cấp thất nghiệp, kinh phí hỗ trợ học nghề, kinh phí tư vấn, giới thiệu việc làm theo Quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh và theo quy định của pháp luật; đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; dừng chi trả trợ cấp thất nghiệp, chi phí hỗ trợ dạy nghề, chi phí tư vấn giới thiệu việc làm, BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có thông báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Như vậy, về phía cơ quan BHXH, trách nhiệm đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương là rất lớn khi thực hiện BHTN. Việc bổ sung những kiến thức về BHTN cũng như các kiến thức bổ trợ về pháp luật lao động và việc làm đang là vấn đề đặt ra cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành BHXH. Sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan BHXH và cơ quan lao động sẽ là cầu nối đưa pháp luật về BHTN vào cuộc sống góp phần ổn định đời sống cho người lao động và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

SOURCE: TẠP CHÍ BẢO HIỂM XÃ HỘI SỐ 3A NĂM 2009

0 nhận xét:

Đăng nhận xét