Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Lấy điện thoại chạy mất, cướp hay lừa đảo

Quan điểm phản biện cho rằng có dấu hiệu phạm tội lừa đảo nhưng không thể xử lý hình sự. Cầm được điện thoại anh H. đưa, Tân nhìn về phía xa xa, giả lả “nhà em tôi bên đó”. Anh H. đưa mắt nhìn theo. Chỉ chờ có vậy, Tân kéo ga lao đi…

Giữa một khuya đầu năm 2010, sau khi uống rượu lâng lâng, Nguyễn Văn Tân (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) lấy xe chạy vòng vòng… hóng mát. Đang thong thả dạo xe, Tân chợt nghe tiếng anh H. í ới: “Có chạy xe ôm hông?”. Nghĩ tiện thể kiếm được thêm ít tiền, Tân đáp: “Có”.

Cuỗm điện thoại bỏ chạy

Sau một hồi chở vòng vo, Tân thấy anh H. cầm điện thoại (khoảng 1,4 triệu đồng) alô, alô… nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Để thực hiện kế hoạch, Tân bắt đầu lân la hỏi kỹ lại nơi khách đến. Khi được khách chỉ tận tường, Tân bỗng dừng xe lại bảo: “Tôi có người em ở gần đây, để tôi kêu nó đưa anh về”.

Dứt lời, Tân kêu anh H. lấy điện thoại bấm vào một số… máy lạ (thực chất là máy của Tân đã tháo SIM ra) để Tân nói chuyện. Không mảy may nghi ngờ, anh H. nhanh nhẹn làm theo. Tuy cầm chiếc alô nhưng Tân vẫn không thể vù đi vì anh H. vô tình đứng ngay trước đầu xe của Tân. Chưa thể “ăn hàng”, Tân đành trả điện thoại lại cho anh H. sau khi bảo “số này hiện không liên lạc được”.

Hai người tiếp tục lên đường. Ít phút sau, Tân lại giở bài cũ, kêu anh H. bấm lại số… Cầm được điện thoại anh H. đưa, Tân nhìn về phía xa xa, giả lả “nhà em tôi bên đó”. Anh H. đưa mắt nhìn theo. Chỉ chờ có vậy, Tân kéo ga lao đi… Anh H. ú ớ kêu cứu nhưng bóng Tân cứ mờ dần, mờ dần…

Chưa rõ cướp hay lừa đảo

Ngày 26-2, VKS huyện đã ra cáo trạng truy tố Tân về tội cướp giật tài sản vì đã lợi dụng sơ hở của người khác, giật lấy tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này của viện khi cho rằng Tân có dấu hiệu tội lừa đảo. Hướng này phân tích, Tân đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Đầu tiên, Tân nói dối có người em gần đây… Sau đó lại giả mượn điện thoại của anh H. để gọi cho người em để anh H. thêm tin tưởng. Lần thứ nhất Tân không có điều kiện tẩu thoát.

Nhưng qua lần thứ hai thì Tân lừa được anh H. với cách chỉ tay về phía xa xa… khiến anh H. mất cảnh giác nhìn theo và Tân đã lủi khỏi tầm khống chế của nạn nhân.

Như vậy, do có ý định chiếm đoạt điện thoại bằng các thủ đoạn gian dối, Tân đã được nạn nhân trao tài sản rồi lấy chạy mất. Chuỗi hành vi của Tân có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội cướp giật tài sản.

Thế nhưng vì tài sản này chỉ có giá trị trên 1,4 triệu đồng, thời điểm phạm tội Tân không có tiền án, tiền sự nên cũng không thể truy cứu Tân về tội danh trên vì chưa đủ định lượng (từ 2 triệu đồng) theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 33. Do đó, hành vi trên của Tân chỉ có thể bị xử lý hành chính mà thôi.

Tội lừa đảo là chính xác

Tôi cũng đồng tình với quan điểm Tân có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua nhiều hành vi thấy được Tân có ý định chiếm đoạt, có hành vi lừa dối để nạn nhân tin tưởng giao tài sản (nói có người em, nhờ gọi điện thoại, chỉ tay…), đã chiếm đoạt được tài sản và lẩn trốn khi đã chiếm đoạt được tài sản đó.

Nhiều người cho rằng hành vi lừa đảo chiếm đoạt phải xảy ra trong thời gian dài (cả ngày, tuần, tháng…), không phải là lấy tài sản rồi bỏ chạy ngay trước mắt nạn nhân. Thông thường việc lừa đảo là vậy nhưng đó không phải là đặc điểm duy nhất của tội này. Việc giật lấy tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát là điểm cuối của việc lừa đảo chiếm đoạt nếu trước đó đã có các dấu hiệu khác tương ứng với tội danh đó.

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHÚC NGUYÊN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét