Thứ Ba, 9 tháng 3, 2010

Kiện báo chí: Lắm gian nan

Các số trước, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh một số vướng mắc trong thực tiễn xét xử của tòa đối với các vụ kiện báo chí.

Số này, chúng tôi xin lược trích, giới thiệu với bạn đọc bài viết của luật sư Nguyễn Thanh Lương (Công ty Luật hợp danh Liên Đoàn).

Đúng là việc xét xử những vụ kiện báo chí hiện đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cả về hình thức lẫn nội dung.

Tòa nào xử?

Trước hết là vướng mắc về thẩm quyền giải quyết của tòa. Khoản 8 Điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 7 Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự cũ) xác định rõ tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí thuộc thẩm quyền của tòa. Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ là tòa án nơi bị đơn có trụ sở pháp nhân.

Quy định vậy nhưng trước đây, tòa án nơi có trụ sở của cơ quan báo chí vẫn từ chối nhận đơn với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên gần đây, chuyện này đã tương đối sáng tỏ. Thông thường, tòa cấp huyện nơi có trụ sở chính của cơ quan báo chí chấp nhận thụ lý đơn kiện. Cũng có khi đương sự khởi kiện ngay tại tòa cấp huyện nơi mình cư trú và được thụ lý. Các trường hợp này, tòa xác định đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và nguyên đơn có quyền lựa chọn nơi khởi kiện là nơi mình cư trú hoặc nơi bị đơn có trụ sở.

Phải khiếu nại trước?

Một vướng mắc khác là đương sự có phải khiếu nại báo và chứng minh kết quả trả lời của cơ quan báo chí trước khi khởi kiện hay không. Đây là vấn đề báo chí đã đăng tải, bàn luận nhiều nhưng chưa thống nhất. Đến nay TAND Tối cao cũng chưa có hướng dẫn.

Nhiều tòa dựa vào Điều 8 Luật Báo chí sửa đổi bổ sung năm 1999 (quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời), Điều 9 (quyền phát biểu bằng văn bản khi có căn cứ cho rằng báo chí đã thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến mình) để cho rằng đương sự bắt buộc phải làm thủ tục này trước khi khởi kiện. Từ đó, tòa từ chối nhận đơn khi đương sự không có gì chứng minh mình có khiếu nại cơ quan báo chí.

Thật ra, việc tòa hướng dẫn đương sự khiếu nại báo trước khi khởi kiện là nhằm tạo điều kiện cho cơ quan báo chí tự cải chính, tự sửa sai (nếu có sai), hoặc các bên tự thương lượng, hòa giải trước với nhau. Nhưng theo tôi, hiểu pháp luật như trên là nhầm lẫn, sai luật, máy móc, gây khó khăn cho đương sự bởi đó là quy định về quyền của đương sự chứ không phải nghĩa vụ. Không có quy định nào nói rằng đương sự bắt buộc phải khiếu nại, hòa giải trước khi kiện cơ quan báo chí đã đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống…

Thực tiễn, để đáp ứng yêu cầu của tòa, đương sự thường tự làm đơn thư khiếu nại hoặc nhờ luật sư gửi công văn đến cơ quan báo chí phân tích, dẫn chứng từ ngữ, nội dung đăng sai và đề nghị cải chính. Nếu cơ quan báo chí không phản hồi, đương sự có thể dùng những đơn thư, công văn này chứng minh với tòa là mình có đề nghị cơ quan báo chí xem xét, giải quyết bước đầu nhưng không có kết quả và đề nghị tòa thụ lý.

Khó chứng minh yêu cầu

Đã gặp khó từ khâu khởi kiện, được tòa thụ lý rồi, người khởi kiện muốn chứng minh báo chí đăng tải thông tin sai cũng không hề đơn giản.

Đương sự phải tự thu thập tài liệu chứng minh mình bị thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm… ra sao. Cạnh đó, việc chứng minh thiệt hại và yêu cầu bồi thường cũng bị hạn chế: Người lao động phổ thông, thuê mướn công nhật, làm việc thời vụ không thể có chứng từ chứng minh mức thu nhập hằng ngày, mức lương hằng tháng khi tính thu nhập bị mất do phải tốn thời gian, công sức vì vụ kiện. Đối với tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng bị phá sản khi báo chí đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống làm giảm sút uy tín nhưng để chứng minh bị tụt giảm doanh thu hằng tháng, hằng quý thì rất vô vọng...

Quyền chọn nơi khởi kiện

Theo lẽ công bằng, pháp luật buộc bên có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác phải gánh chịu phần thiệt hại mà mình gây ra nhằm khôi phục quyền lợi hợp pháp của bên bị thiệt hại.

Báo chí gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì báo chí phải chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật dân sự. Trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng này, báo chí là bên gây thiệt hại, cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền lợi là bên bị thiệt hại.

Điểm d khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu rõ: “Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu tòa án nơi mình cư trú giải quyết”. Bởi vậy, bên bị thiệt hại có thể kiện bên gây thiệt hại tại nơi mình cư trú là điều mặc nhiên.

Bộ luật Tố tụng dân sự chọn giải pháp cho bên bị thiệt hại có quyền chọn tòa án nơi mình cư trú là cơ chế tố tụng nhằm bảo vệ bên bị thiệt hại chứ không bảo vệ bên gây thiệt hại. Sẽ không công bằng và bất tiện cho bên bị thiệt hại nếu bắt họ, vốn đã bị xâm phạm lợi ích lại phải có nghĩa vụ chọn nơi khởi kiện là nơi có trụ sở của bên gây thiệt hại. Chẳng lẽ chỉ đòi bồi thường vài triệu đồng mà họ phải lặn lội từ Cà Mau ra tận Hà Nội hay từ Sa Pa vào TP.HCM để theo kiện các tờ báo ở đây hay sao?

Giảng viên LÊ MINH HÙNG, Đại học Luật TP.HCM

Nơi chỉ lên, nơi trỏ xuống

Một bệnh viện khởi kiện báo P. tại TAND cấp huyện nơi tờ báo có trụ sở. Tòa này từ chối thụ lý, cho rằng cơ quan chủ quản của tờ báo là cơ quan cấp tỉnh nên thẩm quyền giải quyết thuộc tòa cấp tỉnh.

Vụ khác, một hợp tác xã khởi kiện một tờ báo khác (cũng có cơ quan chủ quản cấp tỉnh) ra tòa cấp tỉnh thì tòa này lại từ chối thụ lý và hướng dẫn bên khởi kiện nộp đơn tại tòa cấp huyện nơi tờ báo có trụ sở.

Dùng đơn khiếu nại làm chứng cứ

Trung tâm Hoa ngữ B. (Đồng Nai) kiện báo S. vì báo này đăng nhiều bài viết liên quan đến những tranh chấp nội bộ của trung tâm. Phía nguyên đơn và văn phòng luật sư đã phát hành nhiều đơn thư, công văn đề nghị báo S. cải chính thông tin. Dù không có kết quả nhưng sau đó phía nguyên đơn vẫn được tòa án quận nơi báo S. có trụ sở thụ lý sau khi dùng các công văn, đơn thư này để chứng minh mình có đề nghị báo xem xét, giải quyết bước đầu.

Thương lượng được, khỏi phải kiện

Chủ DNTN P. (TP.HCM) kiện báo S. yêu cầu cải chính thông tin, xin lỗi và bồi thường thiệt hại do đăng bài phản ánh doanh nghiệp hoạt động không giấy phép, khai thác cát lậu… Doanh nghiệp có chứng cứ chứng minh điều báo viết là sai như có giấy phép kinh doanh; có chức năng mua, bán cát; nguồn gốc hàng hóa hợp pháp, đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Doanh nghiệp cũng thực hiện đúng nghĩa vụ thuế thông qua tài liệu báo cáo thuế và được giấy xác nhận không nợ thuế của cơ quan thuế…

Vì thế, báo S. đã thương lượng, thỏa thuận xin lỗi miệng, không sử dụng bài viết của cộng tác viên, kỷ luật người phụ trách trang báo. Ngược lại, phía doanh nghiệp tự nguyện rút đơn và không yêu cầu báo phải đăng bài cải chính...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét