Các tòa kinh tế hiện cũng còn không ít vướng mắc, khó khăn trong quá trình xử lý án, nhất là việc xác định thế nào là thành viên công ty, xử lý tài sản thế chấp… nên đã kiến nghị TAND Tối cao gỡ rối.
Tòa Kinh tế TAND TP.HCM than rằng khái niệm thành viên công ty hiện đang khiến nhiều thẩm phán lúng túng, không biết xác định thế nào cho đúng.
Rối khái niệm thành viên công ty
Có người cho rằng khái niệm này trong Bộ luật Tố tụng dân sự không đồng nghĩa với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005. Nghĩa là khi có tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau thì tòa không phân biệt đó là công ty TNHH, công ty hợp danh hay công ty cổ phần. Cuối cùng tòa phải theo luật tố tụng dân sự mà giải quyết.
Tuy nhiên, có thẩm phán lắc đầu bảo không phải, khái niệm này được hiểu giống nhau giữa hai luật. Nên khi có tranh chấp giữa các thành viên công ty TNHH và công ty hợp danh thì tòa dựa vào luật doanh nghiệp để giải quyết. Riêng tranh chấp giữa các thành viên của công ty cổ phần về cổ phiếu thì tòa dựa vào luật tố tụng dân sự giải quyết.
Cạnh đó, tranh chấp việc góp vốn giữa các thành viên với nhau cũng có nhiều quan điểm. Khi một thành viên chuyển nhượng vốn của mình cho một người ngoài dù các thành viên khác đều biết nhưng hai người chưa đăng ký thay đổi thành viên công ty thì khi có tranh chấp, người được chuyển nhượng không được coi là thành viên công ty. Lúc này tòa phải giải quyết tranh chấp việc chuyển nhượng phần góp vốn theo hợp đồng chuyển nhượng vốn góp.
Tuy nhiên, có người lại cho rằng người ngoài công ty nhưng được chuyển nhượng vốn thì vẫn được coi là thành viên công ty khi có tranh chấp.
Những chuyện trên vừa mới được Tòa Kinh tế TAND TP.HCM kiến nghị TAND Tối cao gỡ rối.
Thông qua nhà nước để xử lý tài sản
Tòa Kinh tế (TAND Tối cao) thì nêu thêm một vướng mắc liên quan đến cách tuyên án khác nhau khi xử lý tài sản bảo lãnh vay tiền của ngân hàng, tổ chức tín dụng mà người vay không trả được nợ.
Một bên cho rằng khi giải quyết án, tòa án phải tuyên người được bảo lãnh vay phải trả nợ; nếu người vay không có khả năng trả thì người bảo lãnh phải trả nợ thay cho người được bảo lãnh. Nếu người bảo lãnh cũng không có khả năng trả nợ thì người nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho bán đấu giá tài sản của người bảo lãnh để thu hồi nợ cho người nhận bảo lãnh.
Một bên khác thì cho rằng nếu đến hạn trả nợ mà người được bảo lãnh không thực hiện việc trả nợ thì tòa tuyên buộc người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người được bảo lãnh và xử lý tài sản của người bảo lãnh để thu hồi nợ cho người nhận bảo lãnh.
Tòa Kinh tế cho rằng quan điểm đầu là chấp nhận được. Ngoài ra, ngoài việc quy định người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay thì luật còn quy định các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thanh toán. Như vậy, khi giải quyết án, trước hết, tòa phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên theo từng trường hợp cụ thể nêu trong hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản.
Cấp tỉnh hay cấp huyện giải quyết Trong thực tiễn cũng xảy ra trường hợp trong hợp đồng, các bên thỏa thuận chọn tòa án cấp tỉnh giải quyết tranh chấp nếu có xảy ra. Tuy nhiên, theo quy định thì những tranh chấp đó thuộc thẩm quyền tòa cấp huyện giải quyết. Như vậy, tòa cấp tỉnh có quyền thụ lý, giải quyết hay không? Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng thỏa thuận của các đương sự không phù hợp quy định của pháp luật. Khi tòa cấp tỉnh nhận đơn thì phải chuyển về cho cấp huyện thụ lý và báo cho các đương sự biết điều này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lại bảo pháp luật tố tụng dân sự không cấm đương sự lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp. Do vậy, nếu các đương sự đã có thỏa thuận thì sẽ căn cứ vào thỏa thuận đó mà giải quyết. Theo Tòa Kinh tế (TAND Tối cao), quan điểm thứ nhất là hợp lý. Bởi ngoài những căn cứ như ý kiến này nêu thì theo quy định, dù các đương sự có quyền lựa chọn tòa án để giải quyết tranh chấp thì thỏa thuận đó phải chọn đúng tòa án có thẩm quyền. Nếu chọn không đúng tòa thì dù tòa tỉnh có thụ lý thì cũng không có thẩm quyền giải quyết… Quy đổi ra tiền Việt Nam Trên thực tế, nhiều đơn khởi kiện gửi đến tòa án đưa ra yêu cầu bằng ngoại tệ… Trong những trường hợp này, tòa án phải yêu cầu đương sự quy đổi ra tiền Việt Nam và có cách tính cụ thể để ra số tiền phạt hợp đồng… Điểm chung nhất là nội dung tranh chấp phải được phản ánh rõ ràng trong đơn khởi kiện. Đặc biệt, đối với những tranh chấp có quy định bên bị vi phạm phải thực hiện việc khiếu nại trước khi khởi kiện ra tòa án thì trong đơn kiện phải thể hiện rõ các bên tranh chấp đã khiếu nại với nhau hay chưa. Yêu cầu của đương sự trong các vụ án kinh doanh, thương mại là các yêu cầu tính được bằng tiền và tranh chấp của loại án này không được miễn tạm ứng án phí. Do đó, giá trị tranh chấp giữa các bên là cơ sở để tòa án tính tạm ứng án phí. Phải nắm vững quy định về thẩm quyền Đối với các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, căn cứ để phân định thẩm quyền theo cấp xét xử là phụ thuộc vào tính chất của tranh chấp và đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài... Theo đó thì chỉ những tranh chấp cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 29 thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp huyện. Đây là những tranh chấp diễn ra phổ biến trên thực tế và tính phức tạp không cao. Cuối cùng, để xác định tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án địa phương mình hay không, thẩm phán phải vận dụng nguyên tắc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo sự lựa chọn của nguyên đơn. Việc xác định này cũng giống như trong các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình và lao động. (Trích tài liệu tập huấn nghiệp vụ TAND TP.HCM) |
NHÓM PHÓNG VIÊN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét