Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

PHÁP LUẬT TRỌNG TÀI Ở VIỆT NAM – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA

PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA – KHOA LUẬT, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

1. Giới thiệu.

2. Quá trình phát triển pháp luật trọng tài ở Việt Nam.

3. Đánh giá Pháp lệnh Trọng tài 2003: Thành tựu và hạn chế.

4. Các vấn đề gây tranh cãi và đề xuất phương án giải quyết trong Dự thảo Luật Trọng tài.

5. Kết luận.

I. Giới thiệu

Hiện nay, Luật Trọng tài đang được soạn thảo và sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2010 nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp mùa thu năm 2009. Theo truyền thống làm luật tại Việt Nam, một Ban Soạn thảo gồm 7 thành viên đã được thành lập. Thành viên của Ban Soạn thảo là các quan chức cao cấp, bao gồm Thứ trưởng các Bộ Tư pháp, Công Thương, Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam [1]. Ban Soạn thảo có trách nhiệm soạn thảo một dự luật với các vấn đề pháp lý quan trọng về trọng tài, lấy ý kiến công chúng và trình Dự thảo cho các Uỷ ban liên quan của Quốc hội trước khi được thảo luận và thông qua tại phiên họp toàn thể của Quốc hội.

Nhằm phục vụ cho công việc của Ban soạn thảo, một nhóm chuyên gia đã được Hội Luật gia Việt Nam thành lập để tiến hành nghiên cứu pháp luật về trọng tài thương mại hiện hành của Việt Nam, thu thập và phân tích kinh nghiệm quốc tế và nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật trọng tài nhằm soạn thảo dự thảo thứ nhất của Luật Trọng tài. Chúng tôi đã thu thập văn bản pháp luật về trọng tài của 80 quốc gia trên thế giới, chúng tôi đã nghiên cứu Luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế [2], chúng tôi đã tổ chức ít nhất 5 cuộc hội thảo quốc gia ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác để lấy ý kiến các chuyên gia pháp luật và các doanh nhân trên toàn quốc về Dự thảo Luật Trọng tài.

Dự thảo được đưa ra thảo luận tại cuộc hội thảo quốc tế lần này phản ánh kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi trong việc đánh giá pháp luật Việt Nam hiện hành về trọng tài thương mại, lựa chọn những kinh nghiệm quốc tế và nước ngoài phù hợp nhất để đưa vào Dự luật này. Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng đây mới chỉ là công việc mang tính lý thuyết, một bước khởi đầu dễ dàng vì Dự luật phải trải qua một quy trình pháp lý phức tạp mới được thông qua. Nhằm chuyển tải thành công pháp luật trọng tài các nước vào bối cảnh pháp lý của Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là đây phải là một Dự luật tiến bộ, phù hợp đến mức cao nhất với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam. Điều đó sẽ giúp giải quyết các tranh chấp thương mại một cách công bằng và hiệu quả, giảm bớt gánh nặng công việc cho Toà án và xa hơn là cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam theo hướng minh bạch, an toàn và dễ dự đoán hơn. Bài viết này sẽ tập trung vào các vấn đề chính sách mà chúng tôi dự định đưa vào Dự thảo Luật Trọng tài. Sau phần giới thiệu, tôi sẽ điểm qua quá trình phát triển của pháp luật trọng tài để bạn đọc nắm được một cách tổng quát về lịch sử của pháp luật trọng tài ở Việt Nam. Pháp lệnh Trọng tài 2003 hiện hành sẽ được đánh giá một cách ngắn gọn nhằm nêu bật những thành tựu chính cũng như những hạn chế cơ bản. Sau đó trong khi tập trung vào các vấn đề pháp lý chính đang gây tranh cãi chúng tôi sẽ đề xuất các phương án giải quyết trong Dự thảo Luật Trọng tài và kết thúc bài viết với một số bình luận về tình hình soạn thảo Dự luật hiện nay.

II. Quá trình phát triển của pháp luật trọng tài Việt Nam

Giải quyết tranh chấp dưới ảnh hưởng của gia đình, họ hàng, bạn bè, sử dụng tập quán và các mối quan hệ để giảm bớt tranh chấp và hy vọng tìm ra giải pháp khi phát sinh tranh chấp đã là hình thức quen thuộc trong xã hội Việt Nam từ rất sớm. Tuy nhiên, trọng tài với tư cách là một thiết chế được thừa nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp cá nhân thì xuất hiện muộn hơn nhiều vào thế kỷ XIX, bởi vì tài liệu sớm nhất được tìm thấy là một quyết định của Toà Phúc thẩm Sài Gòn vào ngày 8/7/1989, trong đó công nhận một thoả thuận về việc lựa chọn một người nước ngoài làm trọng tài trong một vụ tranh chấp đất đai trong vụ Dương Thị Lành kiện Võ Văn Thụ [3].

Trích dẫn vụ án này, tôi muốn nhắc đến "di sản pháp luật dân sự" mà Việt Nam có thể có bởi vì sau đó nước ta rơi vào ách thống trị của Pháp và do vậy có cơ hội, hoặc ít nhất là một sự kiện, vào hơn một thế kỷ trước để tiếp thu hệ thống pháp luật dân sự và thương mại của Pháp. Một số Bộ luật Dân sự và Tố tụng dân sự tiến bộ đã được ban hành ở ba miền của Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và 3 thập kỷ đầu thế kỷ 20. Bên cạnh hệ thống tư pháp truyền thống, các toà án thương mại đã được thành lập ở các thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn). Các quy tắc về trọng tài đã là một phần của các Bộ luật Tố tụng dân sự phức tạp.

Tuy nhiên, các quy tắc này dường như không mấy tác động đến xã hội Việt Nam bởi vì thực dân Pháp kiểm soát hầu hết nền công nghiệp và thương mại, chỉ có một số ít người Trung Quốc làm môi giới trong lĩnh vực phân phối còn đa số người Việt Nam chỉ làm việc với tư cách là nông dân, thợ thủ công hoặc người bán hàng nhỏ ở các thành phố. Họ không có cơ hội biết đến khái niệm trọng tài.

Chẳng có gì là ngạc nhiên khi người Pháp ra đi thì "di sản pháp luật dân sự" cũng mất đi, đầu tiên là ở Miền Bắc, sau đó là toàn bộ Việt Nam. Gia nhập khối XHCN, Việt Nam đưa ra khái niệm "pháp chế XHCN" theo lăng kính của Trung Quốc những năm 60 và sau đó trực tiếp từ Liên Xô cũ vào những năm 70. Hệ thống toà án thông thường được thay thế bằng hệ thống toà án nhân dân, được tổ chức theo thứ bậc của bộ máy Nhà nước, từ quận huyện, tỉnh thành đến Trung ương, mỗi cấp đều có Toà án tương ứng. Các thoả thuận tư về trọng tài và thi hành phán quyết trọng tài, mặc dù đã tồn tại dưới thời thuộc địa, trở nên vắng bóng, ít nhất là đối với các cá nhân. Phục vụ cho quan hệ với khối XHCN, Uỷ ban Trọng tài Ngoại thương và Uỷ ban Trọng tài Hàng hải đã được thành lập vào năm 1963 và 1964. Để giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp nhà nước với các thực thể XHCN khác, một hệ thống "trọng tài kinh tế", theo mô hình pháp luật kinh tế của Liên Xô cũ đã được thành lập từ quận huyện, tỉnh thành đến trung ương. Tên gọi của loại hình này có thể gây nhầm lẫn nhưng thực tế thì "trọng tài kinh tế" không thực sự là trọng tài. Đó là một loại cơ quan hành chính Nhà nước để giải quyết các tranh chấp kinh tế giữa các doanh nghiệp Nhà nước. Toà án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết các loại tranh chấp giữa doanh nghiệp Nhà nước này mà chỉ giải quyết các tranh chấp dân sự giữa các cá nhân với nhau, chủ yếu là vấn đề hôn nhân gia đình hoặc tranh chấp liên quan đến hàng hoá với mục đích để sử dụng cá nhân và tiêu dùng. Tài sản cá nhân đặc biệt là tài sản cá nhân là tư liệu sản xuất không được thừa nhận trong trật tự kinh tế XHCN.

Hệ thống cứng nhắc này đã được tự do hoá dần dần kể từ khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. Hệ thống "trọng tài kinh tế" được huỷ bỏ vào năm 1994 và một nhánh mới trong hệ thống toà án nhân dân với tên gọi toà án kinh tế được thành lập ở cấp tỉnh và cấp trung ương để giải quyết các "tranh chấp kinh tế" được định nghĩa là tranh chấp giữa các doanh nhân nhằm phân biệt với các tranh chấp dân sự giữa các cá nhân. Cũng tại thời điểm đó, một Nghị định của Chính phủ được ban hành cho phép thành lập các "Trung tâm trọng tài kinh tế" [4]. Đây là tín hiệu đầu tiên nhằm thừa nhận loại hình trọng tài theo ý nghĩa đã được thừa nhận trong bản án của toà án Sài Gòn trước đây. Thành công của Nghị định số 116/CP này rất hạn chế nếu không muốn nói là một sự thất bại trong việc đưa ra một hệ thống trọng tài hiện đại. Bên cạnh Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam [5], có 5 Trung tâm trọng tài kinh tế khác được thành lập ở Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh mà hoạt động thực tiễn của các Trung tâm này rất hạn chế [6].

Thay thế Nghị định nói trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Trọng tài 2003 có hiệu lực thi hành vào 01/7/2003 [7]. Triển khai Pháp lệnh này, con số các trung tâm trọng tài thương mại đã tăng từ 5 lên 8 trung tâm [8] trong đó Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC vẫn là trung tâm trọng tài quan trọng nhất ở Việt Nam, xét xử khoảng 20 vụ một năm[9].

III. Đánh giá pháp luật trọng tài 2003 – Thành tựu và hạn chế

Với 8 Chương và 63 Điều, Pháp lệnh Trọng tài 2003 là một bước tiến quan trọng ghi nhận các nguyên tắc và quy định về trọng tài được cộng đồng quốc tế thừa nhận [10]. Pháp lệnh quy định các bên có quyền tự do ký kết các thoả thuận trọng tài để chọn trọng tài làm phương thức giải quyết các tranh chấp phát sinh (các Điều 2, 3, 5, 9). Pháp lệnh công nhận: "phán quyết trọng tài là chung thẩm và có giá trị ràng buộc các bên liên quan trừ trường hợp bị toà án tuyên bố vô hiệu theo quy định của Pháp lệnh này" (Điều 2). Pháp lệnh cũng quy định những nguyên tắc cơ bản trong việc thành lập và hoạt động của các trung tâm trọng tài, về tố tụng trọng tài và các trường hợp toà án huỷ phán quyết trọng tài. Theo hiểu biết của chúng tôi thì Pháp lệnh Trọng tài 2003, ít nhất là ở mức độ so sánh câu chữ, chủ yếu dựa trên mô hình của Luật mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại quốc tế ngày 21/6/1985. Pháp lệnh đưa ra định nghĩa về "thương mại" giống như Chú thích số 2 của Luật mẫu 1985 (xem Điều 2.3 Pháp lệnh), quy định về thành phần hội đồng trọng tài và tiến hành tố tụng trọng tài của Pháp lệnh Trọng tài 2003 và Luật mẫu 1985 gần giống nhau.

Từ góc độ thực tiễn, Pháp lệnh Trọng tài 2003 quy định những cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động của các trung tâm trọng tài, đặc biệt là VIAC với tư cách là thiết chế trọng tài quan trọng nhất ở Việt Nam. Các vụ việc do VIAC xét xử từ 2004 ngày càng tăng lên về số lượng cũng như giá trị và mức độ phức tạp của tranh chấp. Bên cạnh đó, Pháp lệnh 2003 còn góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về trọng tài và hoạt động trọng tài trên toàn quốc. VIAC đã tổ chức hàng chục hội thảo và tập huấn nhằm giới thiệu về trọng tài do cộng đồng doanh nghiệp. Công chúng cũng quan tâm nhiều hơn về trọng tài và các doanh nghiệp bắt đầu tìm ý kiến tư vấn về việc đưa điều khoản trọng tài vào trong các hợp đồng thương mại của mình.

Bên cạnh sự cần thiết phải hoàn thiện và làm rõ một quy định còn hạn chế, nhằm mục đích tạo ra các quy định hiệu lực và hiệu quả hơn về trọng tài, cần tập trung vào 3 điểm hạn chế trong Pháp lệnh Trọng tài 2003 như sau:

1. Phạm vi tranh chấp không rõ ràng

Pháp lệnh 2003 vẫn phân biệt giữa các tranh chấp kinh tế, thương mại với các tranh chấp dân sự hay tiêu dùng. Với định nghĩa mở và lỏng lẻo tại Điều 2.3, VIAC và các trung tâm trọng tài khác không đủ tự tin để thụ lý các tranh chấp ở phạm vi rộng hơn như là các tranh chấp về chứng khoán, tranh chấp giữa các cổ đông, liên danh hoặc thành viên công ty. Nếu sau này toà án không chấp nhận đây là các tranh chấp thương mại thì toà án có thể huỷ phán quyết trọng tài. Điểm không rõ ràng này cũng có tác động đến việc công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài ở Việt Nam. Trong một vụ án liên quan đến sân gôn, toà án không công nhận việc duy tu thảm cỏ sân gôn là hành vi thương mại và do đó không chấp nhận thẩm quyền xét xử của trọng tài với vụ án này (xem các lý do huỷ phán quyết trọng tài tại Điều 54.4 của Pháp lệnh 2003).

2. Hiệu lực pháp lý của phán quyết trọng tài không rõ ràng

Mặc dù quy định phán quyết trọng tài là chung thẩm và mang tính ràng buộc (Điều 6), tuy nhiên trong Chương VI của Pháp lệnh Trọng tài 2003 có quy định về quyền yêu cầu toà án huỷ phán quyết trọng tài nếu một bên tranh chấp không đồng ý với phán quyết đó (Điều 50 Pháp lệnh). Trong thực tế, quy định này trong hầu hết các trường hợp giúp cho bên thua kiện, ít nhất là có cơ hội trì hoãn việc thi hành phán quyết trọng tài bằng việc khởi kiện về giá trị pháp lý của phán quyết đó. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, toà án có quyền xem xét rất nhiều lý do để huỷ phán quyết trọng tài được quy định tài Điều 54 Pháp lệnh Trọng tài 2003. Các lý do này được liệt kê một cách rộng rãi, kể cả bao gồm trường hợp liên quan đến một khái niệm có nội hàm không rõ ràng là "thương mại" như đã đề cập tức là khi tranh chấp không phải là "thương mại" thì thoả thuận trọng tài sẽ vô hiệu (xem Điều 54.2 và so sánh với Điều 10, đặc biệt là khoản 4 Pháp lệnh Trọng tài 2003).

Thông thường, khi điều khoản về thoả thuận trọng tài không chỉ rõ tên gọi đầy đủ, chính xác của trung tâm trọng tài (như là trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam hoặc của Việt Nam…), toà án có thể quyết định rằng điều khoản này là vô hiệu theo quy định tại Điều 10.1 Pháp lệnh Trọng tài 2003.

3. Sự hỗ trợ của toà án trong việc thu thập chứng cứ và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là chưa hiệu quả

Thu thập chứng cứ và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời là rất quan trọng trong hầu hết các trường hợp. Kiểm kê và niêm phong, cấm chuyển nhượng hoặc thay đổi tình trạng hiện tại của tài sản tranh chấp đối với nguyên đơn nhiều khi còn quan trọng và giá trị hơn cả phán quyết cuối cùng. Điều 32 và 33 của Pháp lệnh Trọng tài 2003 thiếu chi tiết và rõ ràng về vấn đề này. Trọng tài viên không thể ra lệnh cho một bên thứ ba, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước phải cung cấp chứng cứ cũng như không thể ra lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nghĩa vụ của toà án, trong thời hạn pháp luật quy định, là phải có hành động can thiệp thích hợp nhưng vấn đề này chưa được quy định thích đáng trong Pháp lệnh Trọng tài 200312.

Bản Dự thảo Luật Trọng tài lần thứ nhất (Dự thảo 0) do nhóm chuyên gia của Hội Luật gia Việt Nam đưa ra để thảo luận đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện Pháp lệnh Trọng tài 2003 hiện hành. Chúng tôi đã nỗ lực hoàn thiện lời văn dự thảo và sửa đổi các vấn đề chính sách pháp lý để khắc phục những điểm yếu và hạn chế của Pháp lệnh [11].

IV. Các vấn đề gây tranh cãi và ĐỀ XUẤT phương án giải quyết trong dự thảo luật trọng tài

Trong quá trình soạn thảo Luật Trọng tài, chúng tôi đã bổ sung một số quy định mới nhằm bảo vệ quyền tự do thoả thuận điều khoản trọng tài của các bên, hạn chế sự can thiệp của toà án vào tố tụng trọng tài cũng như tăng cường sự hỗ trợ của các toà án với hoạt động trọng tài. Một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc lại rằng trọng tài không thể hoạt động tốt nếu như thiếu sự hỗ trợ từ toà án. Chúng tôi hiểu rằng chính sách mới về trọng tài cần sự ủng hộ mạnh mẽ của hệ thống tư pháp hiện hành ở Việt Nam. Đây là một công việc khó khăn bởi vì trọng tài vẫn còn là một hiện tượng mới mẻ trong xã hội Việt Nam, sự tín nhiệm của hệ thống tư pháp và nhân dân với trọng tài cần có thời gian để xây dựng và củng cố. Hơn nữa, mở rộng thẩm quyền xét xử của trọng tài và tăng cường nghĩa vụ giúp đỡ trọng tài của toà án, dưới một góc độ nào đó cũng có nghĩa là hạn chế quyền lực hiện hành của toà án. Vấn đề gây tranh cãi này có lẽ là khó giải quyết nhất mà Ban Soạn thảo phải tìm kiếm sự đồng thuận rộng rãi hơn trong xã hội và từ các cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình làm Luật.

Để tiếp tục tranh luận, chúng tôi sẽ nêu ra một số vấn dề gây tranh cãi dưới đây. Các điều khoản trích dẫn dưới đây, trước khi được nêu khác, là dẫn chứng đến Dự thảo số 0 của Luật Trọng tài do Hội luật gia VN đưa ra để thảo luận.

1. Phạm vi thẩm quyền xét xử của trọng tài

Ban Soạn thảo được giao nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo Luật Trọng tài. Sau khi tiến hành nghiên cứu pháp luật của hơn 80 quốc gia trên thế giới, chúng tôi đi đến kết luận rằng hầu hết pháp luật các nước đều không phân biệt rõ các tranh chấp thương mại và tranh chấp phi thương mại. Ngoài ra, khái niệm "thương mại" quy định tại Chú thích 2 của Luật mẫu 1985 không phải là một danh sách liệt kê toàn bộ các hành vi thương mại. Trên thực tế, rất khó phân biệt giữa hành vi thương mại và phi thương mại. Sự không rõ ràng này có thể sẽ bị toà án lạm dụng. Vì vậy chúng tôi đề nghị là tên gọi của Dự thảo sẽ là Luật Trọng tài (chứ không phải Luật Trọng tài thương mại) áp dụng để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào do các bên thoả thuận trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Sự thay đổi này sẽ làm tăng thêm nhiệm vụ chính trị của Ban Soạn thảo và mở rộng thẩm quyền xét xử của trọng tài đối với các tranh chấp phi thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi không rõ là vai trò của trọng tài đối với đời sống riêng tư của các cá nhân ở các quốc gia khác như thế nào. Rõ ràng là trọng tài rất quan trọng đối với doanh nhân nhưng chúng tôi cần hiểu là sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng đến các giao dịch giữa các cá nhân và giao dịch của người tiêu dùng ở mức độ nào.

2. Cách tiếp cận chọn bỏ (negative list)

Chúng tôi đề xuất mở rộng phạm vi xét xử của trọng tài không chỉ giới hạn ở quan hệ hợp đồng mà còn áp dụng cho bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (xem Điều 2.2 và 17 của Dự thảo Luật Trọng tài). Chỉ có 2 loại tranh chấp không thuộc thẩm quyền xét xử của trọng tài là các tranh chấp liên quan đến các quyền cá nhân, bao gồm các vấn đề hôn nhân và gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các tranh chấp hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính liên quan. Có một số quan ngại về các tranh chấp lao động và tranh chấp đất đai mà có thể cần điều chỉnh bằng các quy định đặc biệt.

3. Tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước

Các quy định liên quan của Luật Đầu tư 2005 sẽ áp dụng, ví dụ như quy định về việc tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến đầu tư có thể do trọng tài xét xử (xem Điều 12 Luật Đầu tư 2005 và Đièu 17.2 Dự thảo Luật Trọng tài. Tổ chức USAID có quan điểm cho rằng Điều 17.2 nên mở rộng phạm xi xét xử của trọng tài đối với các tranh chấp hành chính. Quan điểm cá nhân tôi là đề nghị này đã đi quá xa và không mang tính hiện thực, ít nhất là tại thời điểm này.

4. Quyền của người tiêu dùng trong việc từ chối điều khoản trọng tài

Điều 16 Dự thảo Luật Trọng tài đưa ra các hình thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với giả định rằng người tiêu dùng sẽ ở vị thế bất lợi và bị lạm dụng đối với các điều kiện và điều khoản trong các hợp đồng in sẵn của người bán hàng hoặc nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần nghiên cứu các phương thức tốt hơn và hiệu quả hơn để bảo vệ người tiêu dùng.

5. Trọng tài nước ngoài: Có giá trị ràng buộc hay công nhận?

Điều 13.3 Dự thảo Luật Trọng tài đề cập đến một thực tế là Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 của Việt Nam đã có quy định khác nhau về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài trong nước và phán quyết trọng tài nước ngoài. Với phán quyết trọng tài trong nước, trên thực tế không cần thủ tục nào để công nhận; phán quyết là ràng buộc và có giá trị thi hành mà không cần sự công nhận chính thức từ phía toà án nếu như hiệu lực của phán quyết không bị một bên tranh chấp khởi kiện. Đối với phán quyết trọng tài nước ngoài, để thi hành tại Việt Nam cần thông qua thủ tục công nhận và thi hành phù hợp với Công ước New York. Chúng tôi vẫn lưu tâm đến vấn đề này và mong muốn học hỏi kinh nghiệm các nước. Đây là điểm gây tranh cãi về việc liệu phán quyết trọng tài là ràng buộc và có giá trị thi hành mà không cần thủ tục công nhận chính thức của toà án hay là ít nhất phán quyết đó cần phải đăng ký với toà án để được công nhận.

6. Nguyên tắc lex arbitrary: So sánh Điều 10.2 của Dự thảo Luật Trọng tài và Điều 49.2 của Pháp lệnh Trọng tài 2003

Trong những năm gần đây, các bên tranh chấp thường đưa tới VIAC những điều khoản trọng tài trong đó chọn VIAC để xét xử các tranh chấp hợp đồng nhưng lại chọn thủ tục tố tụng của ICC trước hội đồng trọng tài của VIAC. Một số chuyên gia cho rằng VIAC chỉ có quyền thụ lý vụ việc nếu như các bên thoả thuận áp dụng quy tắc tố tụng của chính VIAC. Tuy nhiên một số chuyên gia lại phản đối dựa trên cơ sở pháp lý tại Điều 49.2 Pháp lệnh Trọng tài 2003 cho phép các bên thoả thuận về thủ tục tố tụng trọng tài. Trên thực tế, VIAC từ chối thụ lý các vụ việc này và chúng tôi cần được tư vấn để làm rõ vấn đề này. Cá nhân tôi tin rằng các bên có quyền thoả thuận về luật áp dụng nhưng không có quyền thoả thuận về quy tắc tố tụng trọng tài.

7. Thành lập tổ chức trọng tài: So sánh với Điều 22 – 27 Dự thảo Luật Trọng tài

Trong vòng một thập kỷ qua, các trung tâm trọng tài liên tục được thành lập ở Việt Nam (6 – 8 trung tâm). Chúng tôi hiểu rằng Dự luật nên lưu ý đến việc thành lập hội đồng trọng tài chứ không phải là thành lập thiết chế trung tâm trọng tài. Chúng tôi đã tranh luận và đi đến kết luận là chúng ta nên quan tâm đến chất lượng, chuyên môn và danh tiếng của các trung tâm trọng tài chứ không phải là số lượng của các trung tâm đó. Chúng tôi cho phép những người sáng lập ra tổ chức trọng tài quyền được lựa chọn tên gọi cho tổ chức của mình như là Uỷ ban trọng tài hay Viện trọng tài.Chúng tôi cũng đang nghiên cứu nên duy trì các thủ tục thành lập tổ chức trọng tài như quy định hiện hành hay nới lỏng các thủ tục đó. Bởi vì Luật mẫu 1985 về trọng tài thương mại quốc tế vẫn không đề cập đến thủ tục thành lập tổ chức trọng tài như một thực thể pháp lý, nên chúng tôi cần được tư vấn về soạn thảo các quy định liên quan đến vấn đề này.

8. Chỉ định trọng tài viên

Các tổ chức trọng tài, ví dụ như VIAC có vai trò quan trọng trong việc đào tạo trọng tài viên và nâng cao vị thế của trọng tài trong xã hội. VIAC có danh sách các trọng tài viên (hiện nay là 123 trọng tài viên, trong đó có 6 người nước ngoài) và các bên tranh chấp thường chọn trọng tài viên từ danh sách do Ban Thư ký VIAC cung cấp. Chúng tôi cần được tư vấn để hiểu được tầm quan trọng thực sự của danh sách trọng tài viên do các tổ chức trọng tài cung cấp. Chúng tôi cũng quan tâm đến việc trong trường hợp nào thì các bên có thể chọn trọng tài viên ngoài danh sách được cung cấp.

9. Quốc tịch của trọng tài viên

Điều 20 Dự thảo Luật Trọng tài cho phép người nước ngoài được làm trọng tài viên ở Việt Nam. Chúng tôi đã thảo luận và đi đến kết luận rằng quốc tịch Việt Nam không nhất thiết phải là một điều kiện để một cá nhân trở thành trọng tài viên ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần thêm thông tin về việc pháp luật các nước quy định về vấn đề này như thế nào.

10. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Điều 45 – 46 Dự thảo Luật Trọng tài là những quy định phức tạp nhất trong quá trình soạn thảo. Chúng tôi vẫn chưa cảm thấy thật sự thuyết phục về việc nên giao thẩm quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cho hội đồng trọng tài hay cho toà án. Tổ chức USAID và một số chuyên gia lập luận là có thể giao cho hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, nếu quy định theo hướng này thì làm thế nào để ngăn chặn khả năng hội đồng trọng tài hoặc các bên tranh chấp lạm dụng việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tất nhiên là cho dù hội đồng trọng tài có quyền này hay không thì toà án luôn luôn có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ tăng cường sự giúp đỡ của toà án đối với hội đồng trọng tài trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời như thế nào. Về vấn đề này, chúng tôi rất cần được tư vấn về việc thiết kế các quy định liên quan như thế nào trong Dự thảo Luật Trọng tài. Trong Dự luật chúng tôi cố gắng tăng cường quyền của nguyên đơn liên quan đến các biện pháp tạm thời, ví dụ quyền yêu cầu toà án áp dụng các biện pháp đó ngay trong trường hợp chưa nộp đơn khởi kiện tại tổ chức trọng tài hoặc khi quá trình tố tụng trọng tài chưa bắt đầu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ quy định là hội đồng trọng tài chỉ có quyền yêu cầu toà án giúp đỡ chứ không trực tiếp có quyền ra lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời.

11. Hình thức đảm bảo cho việc áp dụng các biện pháp tạm thời

Tại điều 46.4 của Dự thảo Luật Trọng tài, so với Điều 17E Luật mẫu 1985 quy định là bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải đưa ra hình thức đảm bảo thích hợp cho biện pháp tạm thời đó. Điều này là chính xác và công bằng nhưng chúng tôi quan ngại là toà án có thể làm cho các biện pháp tạm thời trở nên vô dụng và không thể thực hiện được nếu như đưa ra yêu cầu các bên phải đưa ra một khoản đảm bảo có giá trị tương đương với giá trị đang tranh chấp. Chúng tôi cần được tư vấn về việc thiết kế các quy định phù hợp để hướng dẫn các thẩm phán về các hình thức bảo đảm thích hợp cho việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

12. Thu thập chứng cứ

Quy định về thu thập chứng cứ tại Điều 42 – 43 của Dự thảo Luật Trọng tài là những quy định gây nhiều tranh cãi nhất, giống như quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Điều 45 – 46 . Vấn đề trở nên đặc biệt quan trọng trong các vụ việc mà hội đồng trọng tài cần thu thập chứng cứ đang do bên thứ ba nắm giữ, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước (thông tin về ngân hàng, bất động sản do các cơ quan quản lý nắm giữ). Chúng tôi chưa thực sự nghiêng về phương án nào, cho dù là hội đồng trọng tài có quyền ra lệnh bên thứ ba cung cấp chứng cứ hay là chỉ có quyền đề nghị toà án ra lệnh. Phương án sau có vẻ hợp lý hơn và chúng tôi cần được tư vấn về việc làm thế nào để tăng cường sự giúp đỡ của toà án đối với hội đồng trọng tài trong các trường hợp này.

13. Căn cứ để huỷ phán quyết trọng tài

Điều 62 Dự thảo Luật Trọng tài, tương tự quy định tại Điều 34 Luật mẫu 1985 là vô cùng quan trọng đối với hiệu lực pháp lý và tính ràng buộc của phán quyết trọng tài. Chúng tôi cố gắng quy định chặt chẽ về vấn đề này. Bởi vì các quy định này là trọng yếu đối với Dự thảo Luật Trọng tài, chúng tôi đề nghị nghiên cứu một cách cẩn trọng trong mối quan hệ so sánh với pháp luật các nước và thực tiễn của toà án.

14. Mối quan hệ giữa tổ chức trọng tài và toà án

Bên cạnh các vấn đề pháp luật nội dung nói trên, trên thực tế chúng tôi vẫn quan tâm đến các vấn đề mang tính tổ chức, kỹ thuật về mối quan hệ giữa trọng tài và toà án. Nhằm đảm bảo sự giúp đỡ của toà án với hội đồng trọng tài, trọng tài sẽ phải duy trì mối quan hệ mật thiết với toà án, ví dụ như báo cáo về đơn khởi kiện đã nộp, yêu cầu giúp đỡ lựa chọn trọng tài viên trong trường hợp cần thiết, yêu cầu toà án xem xét hiệu lực của thoả thuận trọng tài, báo cáo về các phán quyết trọng tài đã tuyên, về các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng… Chúng tôi vẫn được tư vấn về việc thiết kế mối quan hệ báo cáo giữa tổ chức trọng tài và toà án và mong muốn học hỏi pháp luật các nước và thực tiễn pháp lý về cách thức và mức độ mà pháp luật quy định về mối quan hệ này.

15. Tổ chức trọng tài

Dưới góc độ tổ chức, chúng tôi cần được tư vấn về mức độ pháp luật can thiệp và quy định về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của tổ chức trọng tài như là vấn đề quản lý nội bộ, đại diện pháp luật và sử dụng tài sản của tổ chức trọng tài. Chúng tôi đã quy định trong Dự thảo Luật Trọng tài là tổ chức trọng tài là một tổ chức phi chính phủ và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, các vấn đề tổ chức khác vẫn chưa được quy định như là vai trò của tổ chức trọng tài, trọng tài viên có cần cấp thẻ hay không và một cá nhân có thể bị cấm làm trọng tài viên như thế nào…

V. Kết luận

Nếu so sánh về mặt câu chữ, một người có thể ngạc nhiên nếu thấy rằng Pháp lệnh Trọng tài 2003 giống tới 80% với Luật mẫu UNCITRAL 1985. Đưa các khái niệm pháp lý tiến bộ vào pháp luật, cho dù qua các bước lập pháp chặt chẽ, phức tạp, chỉ là bước khởi đầu trong quá trình chuyển tải một văn hoá pháp lý mới vào một quốc gia đang chuyển đổi như Việt Nam. Với Dự thảo Luật Trọng tài, dự định được Quốc hội thông qua vào mùa thu 2009, chúng tôi cố gắng nội luật hoá hầu hết các quy định của Luật mẫu UNCITRAL. Tuy nhiên, mối quan tâm chủ yếu của chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các chuẩn mực tiến bộ mà còn là tạo ra môi trường thể chế hỗ trợ việc thi hành các chuẩn mực đó. Trọng tài không thể hoạt động hiệu quả nếu như không nhận được sự hỗ trợ của hệ thống tư pháp hiện hành ở Việt Nam. Vì vậy, Luật Trọng tài chỉ có thể thi hành được nếu các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Tố tụng dân sự, các Luật có liên quan đến hệ thống tư pháp cũng như Luật Thi hành án dân sự quy định về việc toà án hỗ trợ trọng tài dưới hình thức thích hợp như thế nào. Một hệ thống trọng tài hoạt động hiệu quả sẽ tốt cho cộng đồng doanh nghiệp và giảm bớt gánh nặng công việc cho toà án. Nó cũng giúp tạo ra công lý dựa trên quyền tự do thoả thuận của cá nhân. Vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi và rõ ràng là không thể giải quyết thoả đáng ngay lập tức. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà mọi người đều thừa nhận là phải xây dựng danh tiếng và tin cậy của xã hội đối với trọng tài với tư cách là một thiết chế tự do các bên tạo ra.


Chú thích:

[1] Nghị quyết số 570/2008/UBTVQH12 về thành lập Ban Soạn thảo Luật Trọng tài của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

[2] Tài liệu UN số A/40/17, được Uỷ ban Pháp luật thương mại quốc tế của Liên Hợp quốc sửa đổi vào 7/7/2006

[3] Xem Đỗ Văn Đại, Làm thế nào để trọng tài Việt Nam là chỗ dựa cho doanh nghiệp?

[4] Nghị định số 116/CP ngày 05/9/1994 về tổ chức và hoạt động của trọng tài kinh tế.

[5] VIAC được thành lập theo Quyết định số 224/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng. Trên cơ sở sáp nhập Uỷ ban Trọng tài Ngoại thương và Uỷ ban Trọng tài Hàng hải, từ 1993-1996, phạm vi xét xử tranh chấp của VIAC ban đầu chỉ tập trung vào các tranh chấp thương mại quốc tế nhưng sau đó được mở rộng cả đối với tranh chấp trong nước theo Quyết định số 114/TTg ngày 16/21996 của Thủ tướng.

[6] Vũ ánh Dương. Thực tiễn áp dụng Pháp lệnh Trọng tài thương mại tại Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt nam. Tạp chí Khoa học pháp lý số 3 (46) 2008.

[7] Đây là một ví dụ điển hình về cách làm luật tại Việt Nam. Ban đầu được ban hành dưới hình thức Nghị định, sau đó thu thập kinh nghiệm thực tiễn để nâng lên văn bản pháp lý cao hơn như Pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, Pháp lệnh lại được nâng cấp thành Luật do Quốc hội thông qua.

[8] Để cập nhật số liệu, liên hệ với Vụ Bổ trợ tư pháp- Bộ Tư pháp. Một số trung tâm có thể đã giải thể.

[9] Xem Số liệu thống kê của VIAC.

[10] Xem bản dịch chính thức của Pháp lệnh Trọng tài thương mại trên Công báo hoặc bản dịch của các tổ chức khác. Các điều khoản trích dẫn nếu không nêu rõ thì là quy định của Pháp lệnh Trọng tài 2003.

[11] Phan Huy Hồng, Vai trò của toà án trong hoạt động trọng tài, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 3(46) 2008, tr. 22-34

SOURCE: DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=2179

0 nhận xét:

Đăng nhận xét