Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Thuê nhầm kẻ trộm làm bảo vệ

Khi có trộm xảy ra mà xác định lỗi là do vệ sĩ, công ty dịch vụ bảo vệ phải bồi thường thiệt hại. Nhưng trên thực tế, để được bồi thường cũng trầy vi tróc vảy


Do yêu cầu công việc, ngày càng có nhiều công ty cần thuê người ở các dịch vụ bảo vệ. Bên cạnh những người lao động chân chính, làm tốt trách nhiệm được giao, có không ít vệ sĩ hóa thân thành đạo chích, lấy trộm tài sản của chính đơn vị mình đang được thuê bảo vệ.



Nuôi ong tay áo

Khoảng 3 giờ 30 ngày 8-1-2009, lực lượng bảo vệ KCN Amata phát hiện một chiếc xe ba gác máy chở khối lượng hàng hóa cồng kềnh hướng từ KCN ra đường quốc lộ với dáng vẻ khả nghi nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Đối tượng lái xe ba gác có tên là Đào Văn Thi (49 tuổi, TP Biên Hòa) thừa nhận 100 tấm ván ép khổ 1 m x 2 m (trị giá hơn 10 triệu đồng) là hàng hóa trộm cắp.




Kết quả điều tra cho thấy, do muốn kiếm nhiều tiền tiêu xài, Đào Duy Phương, Nguyễn Trung Hiếu (nhân viên của Công ty Dịch vụ bảo vệ H.G được Công ty Kureha hợp đồng bảo vệ khu vực nhà kho) nảy sinh ý định trộm cắp hàng hóa trong kho. Để có thể tiến hành thuận lợi, cả hai đã rủ rê thêm Mai Thành Út, Dương Hồng Thiên (nhân viên của Công ty Dịch vụ bảo vệ Đ.N làm nhiệm vụ trực gác cổng chính ra vào) cùng thực hiện.



Sau khi Phương điện thoại cho Bùi Quang Hưng (31 tuổi, TP Biên Hòa) thỏa thuận giá cả đối với số ván ép sẽ trộm cắp, Hưng điều Đào Văn Thi chạy xe ba gác máy vào Công ty Kureha chở hàng nhưng bị phát hiện bắt giữ.




Cùng là vệ sĩ của Công ty Cổ phần Dịch vụ bảo vệ H.G được Công ty Nobland VN 1 ở KCN Tân Thới Hiệp, P.Hiệp Thành, Q.12 thuê, tuy nhiên Bùi Mạnh Thắng (22 tuổi), Trương Chí Công (38 tuổi), Nguyễn Huỳnh Khương (19 tuổi) lại dễ dàng bị Nguyễn Minh Trung (32 tuổi), Đào Văn Lai (22 tuổi) là công nhân và bảo vệ của Công ty TNHH Nobland lôi kéo tham gia vào đường dây trộm tài sản của công ty.



Biết rõ mọi đường đi nước bước lại được 3 vệ sĩ canh gác, báo động ở bên ngoài nên ngày 12-8, Trung và đồng bọn đã dễ dàng đột nhập lấy đi 420 áo đầm thành phẩm (trị giá hơn 220 triệu đồng) đem ra ngoài bán cho một người ở quận Gò Vấp với giá gần 20 triệu đồng.




Cách đây không lâu, ngày 14-10, CQĐT Công an quận 9 cũng đã bắt Võ Tấn Sang (37 tuổi, quận 9) là bảo vệ của Công ty L.H đang bảo vệ tại công trường Công ty Samsung - Khu Công nghệ cao quận 9 vì liên quan đến vụ trộm cáp đồng trị giá hàng chục ngàn đôla xảy ra tại Công ty Samsung.




Hợp đồng càng cụ thể càng tốt




Trên đây là vài vụ điển hình liên quan đến các vệ sĩ trộm cắp tài sản của chính công ty mà họ được thuê để bảo vệ. Loại bỏ trường hợp các công ty dịch vụ bảo vệ làm ăn chụp giựt, trước hết phải nhìn nhận, do thị trường cung không đủ cầu nên khâu tuyển dụng ở một số công ty dịch vụ bảo vệ đã không xác minh kỹ hồ sơ xin việc của người cần tuyển, dẫn đến trường hợp có người dùng lý lịch giả để xin việc để rồi sẵn sàng ra tay khi có cơ hội.



Gặp trường hợp này coi như công ty dịch vụ bảo vệ lẫn công ty thuê bảo vệ đều bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, không ít công ty chuyên nghiệp đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa kỹ càng về sức khỏe, lý lịch, đạo đức đối với bảo vệ cần tuyển cũng đôi khi gặp sự cố. Đó là khi nhân viên bảo vệ nảy sinh lòng tham khi đối diện một món tài sản lớn nhưng quản lý lỏng lẻo.



Điều đáng bàn ở đây là, khi có trộm xảy ra mà xác định lỗi là do vệ sĩ thì tất nhiên công ty dịch vụ bảo vệ phải bồi thường thiệt hại. Lý thuyết là thế nhưng trên thực tế để được bồi thường cũng trầy vi tróc vảy, "đòi được vạ thì má đã sưng". Đó là chưa kể, do hợp đồng không cụ thể, rõ ràng nên có những công ty bảo vệ đã vờ đi trách nhiệm của mình. Mới đây, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Đức Thành bị mất một số hàng hóa trị giá hơn 47 triệu đồng, nên đã yêu cầu Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ bảo vệ Đ.V (Công ty Đ.V) bồi thường.



Theo đó, bảo vệ Công ty Đ.V đã thông đồng với một số công nhân lấy cắp tài sản đem ra ngoài tiêu thụ. Điều này cũng được chính các bảo vệ của Công ty Đ.V thừa nhận tại cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Công ty Đ.V chỉ "xin chịu trách nhiệm mức độ thiệt hại do lỗi nhân viên bảo vệ gây ra" với tổng số tiền khắc phục của hai bảo vệ là 3,6 triệu đồng.




Trước đó, ngày 30-9-2009, quản lý công trường Công ty Cổ phần Bảo Gia- chủ đầu tư công trình tòa nhà Bảo Gia phát hiện mất một bó sắt và số sắt lẻ bên ngoài (ước lượng hơn ba tấn) nên báo cho công ty bảo vệ N&Đ - là đơn vị được thuê bảo vệ công trình. Sau khi tiếp nhận sự việc, Công ty Bảo vệ N & Đ đã gọi nhân viên bảo vệ tại khu vực bị mất sắt, đến làm việc.



Trong biên bản, người này thừa nhận đã thông đồng với hai bảo vệ khác thuê năm người bên ngoài đem xe tải và máy cắt sắt vào công trường cắt sắt chở đi bán phế liệu. Sau khi thú nhận hành vi trộm cắp, Tú đã nộp lại 500.000 đồng là khoản tiền được chia từ việc bán sắt trộm.



Theo tính toán của Công ty Bảo Gia, số sắt bị mất trộm trị giá hơn 30 triệu đồng. Qua đó, đại diện Công ty Bảo Gia đã mời ban giám đốc Công ty Bảo vệ N & Đ đến trao đổi hướng xử lý vụ trộm và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, phía công ty bảo vệ cho rằng số sắt bị mất không nằm trong biên bản bàn giao bảo vệ giữa hai bên nên không chịu trách nhiệm.




Theo luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TPHCM), khi ký hợp đồng dịch vụ an ninh, cả hai bên đều phải ghi thật cụ thể, chi tiết trách nhiệm ràng buộc của mỗi bên, đặc biệt là nguyên tắc và điều kiện bồi thường. Hợp đồng càng chi tiết, càng cụ thể hóa thì càng tránh được thiệt hại không đáng có.



Vy Thư-Huỳnh Hiếu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét