Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Luật tục các dân tộc Tây Nguyên trong bảo vệ dãy Trường Sơn

Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về Luật tục các dân tộc Tây Nguyên trong bảo vệ dãy Trường Sơn của PGS. TS Nguyễn Đình Hòe, đăng trên Tạp chí Môi trường số 1+2 năm 2010, số báo Xuân Canh Dần.

Nguyễn Đình Hòe
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Những phát hiện về đa dạng sinh học (ĐDSH) chưa đủ để xây dựng một chiến lược, một kế hoạch hành động khả thi và hiệu quả trong bảo vệ ĐDSH dãy Trường Sơn, nếu không nghiên cứu sử dụng các kiến thức bản địa trong bộ luật tục của các dân tộc ít người ở quần sơn này. Ở nước ta đã có rất nhiều nghiên cứu về luật tục của các dân tộc trong bảo vệ ĐDSH Trường Sơn. Xin được giới thiệu một số nghiên cứu có giá trị trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.
Những ngôi nhà sàn Ê đê là biểu trưng của văn hóa rừng
Luật tục Ê Đê về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước
Luật tục, hương ước đã từng là công cụ quản lý đời sống cộng đồng trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, trước yêu cầu tăng cường tính tự quản và sự đồng thuận xã hội, thì luật tục, hương ước của cộng đồng có tác động to lớn trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Luật tục, hương ước không chỉ có giá trị tham khảo trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng mà còn có thể gợi mở việc sử dụng luật tục, hương ước trên mọi lĩnh vực quản lý đời sống xã hội khác.
Điều 80 của luật tục Ê Đê nói rằng: Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, kẻ dại. Cây le đang đâm chồi thế mà họ chặt mất ngọn, cây lồ ô đang đâm chồi thế mà họ chặt mất đọt. Nếu người ta bắt được họ đem cho người tù trưởng nhà giàu thì chân họ tất phải trói lại ngay, tay của họ tất phải xiềng lại ngay. Cả rừng le bị cháy khô, cả rừng lồ ô bị cháy trụi, hang thỏ, hang chồn đều bị thiêu trụi tất cả. Vì vậy có chuyện nghiêm trọng cần phải xét xử họ.
Dân làng không được mang củi cháy dở vào rừng: Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, kẻo đi hái củi mà không biết đi, đi suối lấy nước mà không biết đi. E rằng họ sẽ đốt đuốc cầm theo. E rằng đi rẫy lo việc nương rẫy mà không biết đi, cầm theo những đầu cây cháy dở có thể hủy diệt cả rừng... Cho nên biết được con đàn bà ấy là ai, thằng đàn ông ấy là ai thì việc xét xử phải đi đến bồi thường nặng.
Luật tục quy định rằng, trong đời một người chỉ được săn 30 con thú. Săn đến con thú thứ 30 thì phải vĩnh viễn vứt cung nỏ. Thời vua Minh Mạng có một quy định đáng chú ý: Tứ thiết (4 loại gỗ quý là: đinh, lim, sến, táu) chỉ được dùng để xây dựng đền chùa miếu mạo, cấm dân chúng sử dụng.
Điều 231: Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K'tơng, cây kdjar".
Điều 232: Có bao nhiêu con, có bao nhiêu cháu đều phải dạy bằng hết cho chúng: cấm không được đóng cọc vào cây k'tơng, cấm không được trèo lên cây kdjar. Phạm điều cấm đó người ta coi ngang với tội chặt đuôi voi, tội mò vào với vợ tù trưởng nhà giàu, tội thông dâm với vợ của người anh em. Tội đó phải đưa ra xét xử
"Đi trong rừng thấy cây thẳng không được chặt, thấy cây to không được hạ. Rừng già không được phát rẫy. Rừng có cây to không được làm nương. Mất rừng con chồn, con nhím không còn chỗ để trú, không còn nơi để kiếm ăn. Con người không còn rừng để sống..."
"Làm rẫy không được phát rừng già. Làm nhà không được chặt cây to. Chặt một cây phải trồng bảy cây. Chặt cây to phải chừa cây con. Làm như thế rừng không bị mất. Làm như thế rừng xanh tươi mãi mãi..."
"Chim thú trong rừng ta phải bảo vệ. Thấy chim thú không nên đuổi bắt. Bắt con chồn không được bắt con mẹ. Bắt con chim không được bắt con mẹ. Bắt con cá không được bắt con mẹ. Bắt con thỏ không được bắt con mẹ..."
Bảo vệ cây rừng bao gồm các nội dung: bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bảo vệ cây rừng ở bến nước, bảo vệ cây rừng ở khu rừng già, bảo vệ cây rừng ở khu rừng non. Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất cây rừng đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, con người và muôn loài sẽ bị hủy diệt. Do đó, bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng:
"Cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ làng buôn. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước. Bảo vệ cuộc sống của nhân dân". "Con người để cháy rừn. Con người chặt phá rừng. Con người diệt hết muôn thú . Tội ấy Dàng phải xử..."
"Không có nước con người không sống được, cây bờ suối không được chặt trụi cây đầu nguồn không nên chặt phá, mất cây rừng sẽ gây hạn hán, mất cây rừng sẽ gây ra lũ lụt...".
Bảo vệ môi trường trong văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa ở Đắc Lắc
Người M'nông, tộc người được coi là cư dân đầu tiên có mặt trên địa bàn Đắc Lắc có ý thức bảo vệ rừng nghiêm khắc. Từ ngàn xưa, cộng đồng M'nông đã lưu truyền các khoản quy định về tội làm cháy rừng như sau: "Chòi bị cháy chỉ một người buồn, nhà bị cháy cả buôn phải buồn, rừng bị cháy mọi người đều buồn... Rừng bị cháy mà không dập tắt, người đó sẽ không có rừng, người đó sẽ không có đất, làm nhà đừng dùng cây nữa, làm chòi đừng dùng cây nữa, làm rẫy không phát rừng nữa, khi thiếu đói đừng đào củ nữa, bảo nó cất chòi ở trên mặt trăng, bảo nó cất chòi ở trên ngôi sao, bảo nó tỉa lúa ở trên tầng mây!"
Ở luật tục Ê Đê, Giarai, bến nước hoặc nguồn nước được coi là hình ảnh tiêu biểu của buôn làng. Việc làm ô nhiễm nguồn nước gây nên hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị đưa xét xử và chịu những hình phạt rất nặng. Quan niệm của đồng bào là tại mỗi bến nước chung của làng, đều có một vị thần cư ngụ. Bến nước bị uế tạp làm thần linh nổi giận gây ra dịch bệnh trừng phạt dân làng. Bởi thế, hàng năm dân làng phải làm lễ cúng bến nước. Trong buổi lễ đó, nghi thức quan trọng nhất là tất cả mọi người trong buôn làng tham gia quét dọn bến nước, làm cho bến nước trở nên sạch sẽ. Họ tin rằng, làm như vậy, các vị thần sẽ hài lòng, giúp cho dân làng được khỏe mạnh.
Luật tục của người M'nông lại có những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ nguồn nước ở một khía cạnh khác. Nguồn nước không chỉ liên quan đến cung cấp nước sinh hoạt cho con người mà còn cung cấp cá, tôm, cua, ốc làm thức ăn cho buôn làng:"Bắt con ếch phải chừa con mẹ, bắt con cá phải chừa con mẹ, chặt cây tre phải chừa cây con, đốt tổ ong phải chừa ong chúa".
Việc thuốc cá (dùng các loại vỏ cây, rễ cây có chất làm say cá, giã ra hòa xuống suối, để cá say nổi lên mà bắt), đã hủy hoại môi trường sinh thái của dòng suối, nên bị cộng đồng nghiêm cấm."Muốn ăn ếch dùng ná mà bắn. Muốn ăn cá dùng rớ mà vớt. Không thuốc bằng kuau rle. Làm chết sạch cả tép cả cua. Bon, làng có quyền khiếu nại. Ai thuốc cá có tội với làng. Tội thuốc cá không ai đếm nổi".
Bảo vệ rừng và đất rừng Tây Nguyên
Không biết tự bao giờ, người Tây Nguyên được hưởng kho báu của trời, tưởng như không bao giờ cạn này! Từ thời ông bà của ông bà, người Tây Nguyên coi rừng như mảnh vườn chung của cộng đồng. Bài ca giữ rừng,chính là luật tục của ông bà để lại, buộc mọi người trong buôn phải thuộc lòng, để giữ rừng.
Thấy chim thú không được đuổi bắt
Bắt con chồn không được bắt con mẹ
Bắt con chim không được bắt con mẹ
Bắt con cá không được bắt con mẹ
Bắt con thỏ không được bắt con mẹ
Rừng, đất, nguồn nước không còn
Con người, muôn loài sẽ không sống nổi
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ buôn làng
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương
Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước
Bảo vệ cuộc sống của lũ làng
Rừng ở Tây Nguyên không chỉ lớn về diện tích mà còn có giá trị đặc biệt về chất lượng. Năm 1980, tổng diện tích rừng của Tây Nguyên có 3.868.400 ha, chiếm 70,66% tổng diện tích tự nhiên. Nhưng từ năm 1980 đến 1995, trung bình mỗi năm Tây Nguyên "xóa sổ" 120 nghìn ha rừng
Luật tục người Tây Nguyên xử phạt rất nặng đối với ai phạm vào tội phá rừng, ngay cả việc phát rừng làm rẫy. Bà con không bao giờ đụng đến rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, vì đồng bào quan niệm rừng có thần linh và rừng gắn với văn hóa.
Trước hết, rừng là không gian sinh tồn của các dân tộc Tây Nguyên. Không một buôn, làng nào tách biệt khỏi rừng, đất rừng. Rừng không chỉ cung cấp cho cuộc sống hằng ngày mà còn là nền tảng của sản xuất, là văn hóa trong cuộc sống của đồng bào.
Trong 1.500 bản quy ước ở thôn, buôn của tỉnh Đắc Lắc đều đề cập đến rừng, phát triển và bảo vệ rừng. Tỉnh Lâm Ðồng đã có 225 thôn, buôn triển khai quy ước bảo vệ phát triển rừng với sự tham gia của người dân.
Kết hợp giữa pháp luật với luật tục, hương ước
Thứ nhất, kế thừa và phát huy những quy định của luật tục về bảo vệ rừng. Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, định hướng sưu tập, tổng hợp, đánh giá luật tục của đồng bào các dân tộc ít người sống gắn bó với rừng cả phương diện các quy định cũng như sự vận hành của luật tục. Qua đó, xác định những quy định trong luật tục phù hợp, có tác dụng bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật bảo vệ rừng, những quy định là hủ tục, phản tiến bộ để lựa chọn biện pháp giải quyết phù hợp trong quản lý bảo vệ rừng. Giúp đỡ đồng bào dân tộc nhận thức được các giá trị tốt đẹp của luật tục cũng như các nội dung lạc hậu, mê tín dị đoan trái pháp luật, xoá bỏ những nội dung luật tục không phù hợp và tự giác thực hiện pháp luật nhà nước. Nhà nước cần nghiên cứu để áp dụng những phương thức tác động thích hợp đối với cộng đồng để tăng cường việc tự quản lý rừng bằng luật tục của đồng bào các dân tộc.
Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chúng ta cần đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản - những người có uy tín trong xã hội làm chỗ dựa, làm hạt nhân trong việc tổ chức thực hiện luật tục và hoạt động tự quản trong cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên coi trọng tuyên truyền về vai trò, giá trị của rừng đối với đời sống con người và phổ biến các kiến thức cơ bản nhất về pháp luật bảo vệ rừng; tổ chức tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào, chú trọng hoạt động của tổ hoà giải trong cộng đồng và chính quyền cơ sở. Cung cấp thường xuyên các tài liệu, sách báo phục vụ đồng bào, hướng dẫn nhân rộng những mô hình cộng đồng bảo vệ rừng tốt gắn với nâng cao đời sống cộng đồng.
Thứ hai, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hương ước, quy ước trong quản lý rừng.Nhà nước cần tổ chức tổng kết, áp dụng các biện pháp quản lý để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hương ước, quy ước bảo vệ rừng, trong đó cần tập trung vào các vấn đề sau:
- Tùy theo đặc điểm tình hình thực tế của mỗi cộng đồng dân cư mà lựa chọn hình thức hương ước hoặc quy ước bảo vệ rừng thích hợp. Những cộng đồng sống trong rừng, có cuộc sống gắn bó với rừng thì rà soát, bổ sung hoặc hướng dẫn cộng đồng xây dựng mới quy ước riêng về bảo vệ rừng. Những cộng đồng sống gần rừng hoặc quản lý diện tích rừng không lớn thì lồng ghép nội dung bảo vệ rừng vào trong hương ước chung của cộng đồng;
- Cách thức quy định các nội dung về bảo vệ rừng trong hương ước, quy ước cơ bản là: quy định những việc cấm làm, những việc phải làm, những việc được phép làm, những việc khuyến khích làm. Quy định của hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của đồng bào, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng. Hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải do cộng đồng xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận, không áp đặt từ bên ngoài bởi các cơ quan nhà nước. Nhà nước giám sát các nội dung quy định trong hương ước, quy ước bảo vệ rừng bằng hình thức phê duyệt chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
- Đưa quy định pháp luật vào hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không nhất thiết và cũng không thể đưa đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước, chỉ lựa chọn những nội dung cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng.
- Các quy định về khen thưởng, xử phạt trong hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải phù hợp với pháp luật, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân, sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng. Cần khuyến khích các hình thức giáo dục, thuyết phục, tự nguyện, công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả trong các trường hợp vi phạm hương ước, quy ước bảo vệ rừng.
- Những nội dung pháp luật cụ thể về bảo vệ rừng cần đưa vào hương ước, quy ước: những quy định về khai thác rừng, tận thu, tận dụng lâm sản; quy định nguyên tắc chia xẻ lợi ích từ rừng mang lại cho cộng đồng; những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng; quy định về chăn thả gia súc, quản lý canh tác nương rẫy ở trong rừng; những quy định về huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư vào việc tuần tra, bảo vệ rừng; quy định trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí của từng hộ gia đình vào quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng cộng đồng; quy định về trách nhiệm dân sự, khen thưởng và xử lý vi phạm; quy định trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm gây thiệt hại rừng.
Thứ ba, xác định cơ chế và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Cần xây dựng cơ chế, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ rừng trên địa bàn. Hàng năm, các cấp chính quyền địa phương cần tổ chức đánh giá, rà soát các quy định của hương ước, quy ước bảo vệ rừng để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình của địa phương./.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét