Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Nhà ở xã hội: Cần vốn và quỹ đất

"Thành công hay không chưa phải là có nhiều hay ít căn nhà được thực hiện, điều quan trọng nhất đó là chúng ta đã làm thay đổi nhận thức trong xã hội. Không thể một chốc một lát có thể giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, nhất là trong điều kiện đất nước còn nghèo, phải là cả một quá trình, từ xây dựng cơ chế chính sách, đến triển khai thực hiện..."- Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra tại hội thảo "Nhìn lại 1 năm thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp" vừa diễn ra tại Hà Nội.

Bê tông Xuân Mai tạo niềm tin vững bền


Khó nhất là thiếu quỹ đất.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, sau gần một năm thực hiện phát triển nhà ở cho học sinh (HS), sinh viên (SV), nhà ở cho công nhân (CN) lao động tại các KCN tập trung, người có thu nhập thấp (TNT) đô thị, bước đầu đã đạt được nhiều khả quan, với hàng trăm dự án nhà ở xã hội được khởi công. Đặc biệt đối với nhà ở dành cho SV, đến nay đã có 88/95 dự án được khởi công với tổng số vốn trái phiếu Chính phủ dành cho trong năm 2009 đã đạt tới 3.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ cung cấp 33.000 chỗ ở cho SV trên cả nước. Nhà ở cho CN cũng đã có 24 dự án được khởi công xây dựng với số vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng. Đối với nhà cho người TNT, đã có 31 dự án được khởi công với tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng...

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 đáp ứng chỗ ở cho 60% số HS, SV theo tính toán của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 - 2015 cần khoảng 30.000 tỷ đồng, mỗi năm cần 6.000 tỷ đồng. Nhà ở cho CN, người TNT tại các địa phương luôn trong tình trạng bức xúc. Đến nay đã có 264 dự án nhà công nhân đăng ký triển khai với tổng mức đầu tư gần 59.300 tỷ đồng và 263 dự án nhà TNT được đăng ký với tổng đầu tư khoảng gần 73.000 tỷ... Nhưng so với nhu cầu thì số lượng các dự án đã được khởi công là rất ít.

Cũng theo đánh giá của Bộ Xây dựng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các dự án nhà ở xã hội, nhất là nhà CN và người TNT đó chính là vốn và quỹ đất. Theo quy định, các địa phương phải bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà TNT gắn với các dự án nhà ở thương mại, KĐTM (tỷ lệ tối thiểu là 20%) hoặc bố trí quy hoạch riêng, nhưng các địa phương đều chậm triển khai việc điều chỉnh quy hoạch để tạo quỹ đất. "Địa phương nào cũng cam kết sẽ dành cho nhà ở xã hội những ưu tiên về đất đai, nhưng với tình trạng thị trường BĐS và tài nguyên đất đang nóng bỏng như hiện nay, không ít dự án nhà ở xã hội đang gặp cảnh thiếu quỹ đất trầm trọng" - Thứ trưởng Nam cho biết.

Các dự án nhà ở CN và TNT không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà chủ yếu trông chờ vào vốn huy động từ các thành phần kinh tế, từ các DN. Không phải DN nào cũng mặn mà với các dự án này, nhất là khi khó có thể huy động vốn ứng trước của người mua, khả năng thu hồi vốn lại kéo dài... chính vì vậy các dự án này đang rất khó khăn về vốn đầu tư.

Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Mạnh Hà, vấn đề gây khó khăn, cản trở đến việc triển khai các dự án chính là việc giải quyết các thủ tục hành chính ở một số địa phương chưa có sự chuyển biến, gây khó khăn đối với các nhà đầu tư tham gia dự án. "Có DN còn cho rằng không cần vốn, không cần ưu đãi, chỉ cần giải quyết các thủ tục cho nhanh - điều đó chứng tỏ sự nhiêu khê, phiền hà. Cán bộ một là nhũng nhiễu, hai là sợ trách nhiệm".

Theo các chuyên gia của Hiệp hội Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng như đại diện các DN, phải giải quyết nhiều vấn đề thì mới có thể tiếp tục triển khai tốt chính sách nhà ở xã hội, nhà cho người nghèo, trước hết là tập trung tháo gỡ những khó khăn đã nêu ở trên về vốn, về quy hoạch để bố trí đất, xác định được nơi nào có thể lập dự án nhà ở xã hội, xác định rõ đối tượng được hưởng, cũng như mô hình quản lý sau khi đưa vào sử dụng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhà nước cần tiếp tục tập trung các nguồn lực, đặc biệt là nguồn ngân sách dành hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay đối với các dự án nhà ở SV, CN và người TNT... Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện nay Bộ đang phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng nhà TNT vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, với lãi suất ưu đãi khoảng 6 - 7% năm, thời hạn vay từ 10 - 15 năm. Dự kiến sẽ triển khai khoảng 20 - 30 dự án thí điểm trong năm 2010.


Thanh Tân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét