Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Năm Canh Dần - Hãy hành động thiết thực để bảo vệ loài hổ trong thiên nhiên

Đặng Huy Huỳnh Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam
Năm Canh Dần xin hầu chuyện với quý vị, bạn bè gần xa đôi điều về loài Hổ (Parthera tigris linnaeus, 1758), một loài thú sống hoang dã có kích thước lớn nhất trong họ Mèo (Felidae) thuộc bộ thú ăn thịt (Carnivora). Đây là loài thú được mọi người tôn vinh là biểu tượng của sự dũng mãnh trong thiên nhiên. Trong các vườn động vật, vườn thú, các trang trại Hổ được chăm sóc - nuôi dưỡng không những phục vụ cho việc bảo tồn nguồn gen, mà còn là một đối tượng vô cùng hấp dẫn ngưỡng mộ của khách thăm quan, vui chơi giải trí bởi những sắc màu rực rỡ của tấm áo choàng khoác trên thân hình cân đối, vặm vỡ của loài thú quý hiếm này. Hiện nay trên thế giới có bao nhiêu loài Hổ?
1. Xin thưa rằng:
Trên hành tinh chúng ta đang sống. Duy nhất chỉ có một loài Hổ, có tên khoa học là Panthera tigris Linnaeus, 1758. Nhưng do các đặc điểm, điều kiện tự nhiên, khí hậu, các nguồn năng lượng... có sự khác nhau giữa các Châu lục, vùng, miền cùng với quá trình tiến hóa lịch sử tự nhiên, nên loài Hổ đã phân hóa hình thành nên 9 phân loài (Subspecies) phân bố trên phạm vi chỉ 15 - 16 nước trên thế giới, có nghĩa là chỉ có 8% số quốc gia (16/200 quốc gia) trên thế giới đã và đang có sự hiện hữu của họ hàng nhà Hổ. Đó là:
- Phân loài hổ Amur có tên khoa học Panthera tigris altaica, chỉ sống ở vùng rừng núi phía Đông Nam Liên Bang Nga, qua Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Trước đây số lượng cá thể của phân loài này có nhiều trong thiên nhiên, nhưng do khai thác quá mức và bối cảnh biến đổi khí hậu đã khiến số lượng quần thể giảm chỉ còn ước tính khoảng từ 150 - 200 cá thể.
- Phân loài Hổ Hoa Nam (Panthera tigris amoyensis) chỉ phân bố ở miền Trung và miền Đông Trung Quốc, cách đây 40 năm của thế kỷ thứ XX người ta ước tính số lượng có khoảng 4000 con, ấy thế mà ngày nay chỉ còn lại khoảng 30 - 80 cá thể. Đó là điều rất đáng suy nghĩ.
- Phân loài Hổ Caspi (P.T.Virgata) vùng phân bố miền Bắc Afganistan, Bắc Iran, Đông Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Mông Cổ. Nhưng theo tổ chức IUCN thì loài này đã bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên vào những thập kỷ năm chín mươi của thế kỷ XX.
- Phân loài Hổ Bengal (P.T.Tigris) chỉ gặp ở Ấn Độ Nepal, Bangladesh, Tây Bắc Myanmar... đang được bảo vệ trong một số khu bảo tồn thiên nhiên ở Ấn Độ Nepal, Bangladesh. Đây là điều đáng mừng.
- Phân loài Hổ Sumatra (P.T.Sumatrae) với số cá thể còn khoảng 400 - 500 con được bảo vệ tại 5 Vườn quốc gia ở Nam Dương. Đây là một thành tựu đáng khích lệ, một bài học cần được noi theo.
- Phân loài Hổ Bali (P.T.batica) trước đây chỉ phân bố ở Bali (Indonesia). Nhưng hiện nay không còn gặp có nghĩa là đã bị tuyệt chủng vào năm 1937.
- Phân loài Hổ Mã Lai (P.T.Jacksoni) chỉ phân bố ở Malaixia với số lượng rất hiếm.
- Phân loài Hổ Java (P.T.Sondaica) chỉ phân bố ở Đảo Java (Indonesia), nhưng cũng đã bị tuyệt chủng vào khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ XX.
- Phân loài Hổ Đông Dương (P.T.Corbetti) phân bố ở Nam Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia. Theo IUCN thì có khoảng 1050 - 1750 con ở Lào, Campuchia, Myanma; ở Thái Lan có khoảng 250 - 260 cá thể. Ở Việt Nam theo báo cáo của tổ chức CITES (2009) tại hội nghị toàn cầu về Hổ ở Kathmandu (Nepal) năm 2009 thì Việt Nam chỉ còn khoảng từ 50 - 150 con sống trong các VQG và Khu bảo tồn thiên nhiên thuộc 17 tỉnh thành trong cả nước.
2. Bằng cách nào để phân biệt sự khác nhau giữa các phân loài.
Sở dĩ có sự phân biệt giữa các phân loài ở các vùng khác nhau là trên cơ sở phân tích về hình thái học: trọng lượng cơ thể, màu sắc, các đường vằn lông... chẳng hạn Hổ sống ở phương Bắc thường trọng lượng cơ thể lớn hơn, màu lông sáng hơn. Ví dụ Hổ Siberia trọng lượng con trưởng thành có thể trên 300kg, trong khi đó Hổ Sumatra ở Indonexia chỉ nặng từ 100 đến 150kg. Tức là Hổ sống ở phương Nam cơ thể trọng lượng nhỏ hơn, màu sắc xẫm hơn và gần đây nhờ kỹ thuật nghiên cứu hiện đại phần tử DNA đã minh chứng một cách rõ ràng về sự sai khác giữa các phân loài.
3. Đời sống của Hổ:
Mặc dù phân hóa thành 9 phân loài khác nhau, nhưng tập tính sống của Hổ thường là sống đơn lẻ. Đó là đặc điểm lịch sử tự nhiên của loài, trừ một vài trường hợp ngoại lệ chúng liên kết thành bầy đàn nhỏ để tấn công con mồi. Cũng vì vậy mà George Shaller (1967) cho ra đời tác phẩm "The deer and the tiger" (Nai và Hổ) ở miền Trung Ấn Độ. Môi trường sống (Habitat) của mỗi phân loài rất đa dạng như rừng Lá Kim, rừng nhiệt đới, rừng khô thậm chí cả rừng ngập nước. Nhưng thường là rừng thưa thoáng đãng như rừng Khoộc (rừng cây họ dầu) ở Tây Nguyên, nơi có nhiều loài thú có giốc ngón chẵn (Hươu, Nai, Lợn rừng, Hoẵng...) sinh sống kiếm ăn. Để dự trữ nguồn thức ăn cho mình Hổ thường chiếm hữu một vùng lãnh thổ nhất định bằng sự đánh dấu riêng biệt như dùng nước tiểu vẩy lên trên các lùm cây, thân cây hoặc trên các ụ đất. Các dấu vết mùi của nước tiểu, cào xước lên thân cây hoặc phát ra những âm thanh... để báo hiệu với kẻ lạ, là đất này đã có chủ quản lý. Điều quan trọng hơn là các tín hiệu âm thần nhưng quan trọng cho sự giao lưu giữ con đực, con cái đang mùa dậy thì mà đông dục nhằm duy trì phát triển nòi giống. Ở các vùng rừng thuộc khí hậu ôn đới Hổ động dục theo mùa, còn Hổ ở rừng nhiệt đới thì Hổ cái thèm khát quanh năm. Hổ cái mang thai thường chỉ trên dưới 100 ngày, mỗi lứa đẻ từ 2 - 4 con, Hổ con trong 5 - 6 tháng tuổi được Hổ mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và sau đó tự đi kiếm mồi nhờ sự tập luyện của Hổ mẹ. Chính vì vậy mà Hổ con luôn luôn yêu quý mẹ, muốn gần mẹ. Nhưng khoảng 3 năm tuổi thì Hổ đã đến tuổi trưởng thành và bắt đầu ghép đôi sinh con đẻ cái. Nguồn dinh dưỡng chính của Hổ trong tự nhiên là những con vật chuyển động, nhưng khẩu vị ưa thích nhất là các loài thú guốc chẵn: Nai, Mang, Lợn rừng; nhưng khi ở vùng nào đó con người đã săn bẫy hết con mồi của chúng. Khi cái bụng đã đói bắt buộc chúng xâm nhập vào các làng, bản, lán trại gần rừng để bắt trâu, bò, lợn... để chén, thậm chí tấn công cả con người, đó là điều bất đắc dĩ. Chính vì vậy con người nên suy nghĩ chớ nên bẫy, bắn, săn hươu nai trong rừng mà hãy dành nguồn tức ăn để cứu vãn sự tồn tại của loài Hổ trong tự nhiên.
4. Tại sao chúng ta phải bảo vệ loài Hổ?
Hổ sống trong tự nhiên là một thành viên tạo nên tính đa dạng sinh học, Hổ có vai trò quan trọng trong cân bằng sinh thái, Hổ là loài động vật có vú có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao. Nhưng điều không may cho số phận của Hổ là số lượng dân số của chúng ngày càng thấp dần trong thiên nhiên, mặc dù các bà mẹ Hổ đẻ mỗi lứa 2 - 4 con.
- Theo tư liệu của tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế thì vào những thập kỷ năm 1900 trên thế giới có khoảng 100.000 cá thể Hổ sống hoang dã. Đến năm 2000 tại diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF), các nhà khoa học và quản lý cho biết chỉ còn 6500 con sống phân tán tại 13 nước Châu Á và có ba phân loài Hổ là Hổ Bali, Hổ Caspi và Hổ Java đã không còn gặp trong tự nhiên.
- Riêng loài Hổ Đông Dương là loài sống ở Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaixia, Thái Lan, Myanma và Việt Nam. Với số lượng ước tính có từ 1200 - 1700 cá thể.
Ở Việt Nam, từ thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ XX Hổ phân bố rộng các vùng rừng núi trong khắp các vùng, miền, trừ các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long là ít thấy Hổ. Ấy thế mà hiện nay theo như báo cáo của Chính phủ Việt Nam trình bày tại diễn đàn toàn cầu về loài Hổ được tổ chức từ ngày 27 đến 30/10/2009 tại Kathmandu (Nepal) thì ở Việt Nam chỉ còn khoảng từ 50 - 150 con sống trong các VQG và Khu BTTN như: Mường Tè, Mường Nhé (Lai Châu), Suối Cộp (Sơn La), Pù Mát (Nghệ An), Minh Hóa - Tuyên Hóa (Quảng Bình), Dăkrông (Quảng Trị), Tây Giang - Đông Giang (Quảng Nam), Chư Mom Ray (Kon Tum), Yokdon - Easup (Dăklăk), Bù Gia Mập (Bình Phước), Cát Tiên (Đồng Nai)...
5. Nguyên nhân của sự suy giảm số lượng Hổ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, là do diện tích rừng tự nhiên, là môi trường sống lý tưởng của Hổ bị chia cắt, phá hủy thay vào đó là kiểu hệ sinh thái rừng trồng đơn loài như cao su, keo lai, bạch đàn... hoặc công trình thủy điện, không phải là nơi nương tựa của loài Hổ cũng như của các loài thú móng guốc là mồi của Hổ. Chính vì vậy, nhiều nơi không còn thấy bóng dáng của Hổ, đặc biệt trong những năm gần đây các sản phẩm của Hổ từ da lông, xương, vuốt, nanh... được khai thác triệt để làm hàng hóa lưu thông trên thị trường, đặc biệt xương, thịt Hổ được chế biến thành cao Hổ cốt (thần dược) với giá rất cao khoảng 18 - 20 triệu đồng một lạng. Chính vì thế mà một số người chạy theo lợi nhuận không còn chút lương tâm tính đồng loại đã đi vơ vét, lùng sục, thúc dục việc săn bẫy bắt Hổ trong tự nhiên đem đi bán. Mặt khác, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thời tiết thay đổi thất thường, môi trường sống của Hổ cũng bị ảnh hưởng. Cứ đà này, nếu như chúng ta không có các biện pháp quản lý tạo môi trường sống thích ứng thì các nhà sinh thái, động vật Việt Nam dự báo vào khoảng năm 2015 - 2020 phân loài Hổ Đông Dương sẽ có thể biến mất trên lãnh thổ Việt Nam, khi đất nước đã trở thành một nước CNH - HĐH. Đó là điều mà tất cả chúng ta phải suy nghĩ.
6. Chúng ta phải làm gì để phân loài Hổ Đông Dương vẫn được tồn tại, phát triển trong một đất nước mà cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, một lòng một dạ của 54 cộng đồng người Việt đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn để có một nền độc lập, để có cuộc sống ấm no tự do hạnh phúc như ngày hôm nay; để xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh giữa con người với con người, giữa con người với môi trường, với thế giới hoang dã trong đó có loài Hổ.
Như chúng ta đều biết, hiện nay tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN) và quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) cùng nhiều tổ chức khác đã xếp các phân loài Hổ có trên thế giới ở mức độ đang bị đe dọa tuyệt chủng cao với ký hiệu là EN tức là (Endengeres) Sách Đỏ Việt Nam xuất bản năm 2007 xếp hạng ở mức cực kỳ nguy cấp bị đe dọa tuyệt chủng ký hiệu CR tức là Critical endengerod; trong Nghị định Chính phủ số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, Hổ được quy định ở nhóm IB tức là cấm khai thác buôn bán trên thị trường.
Theo chúng tôi, các hành động ưu tiên bảo tồn Hổ ở Việt Nam là phải nghiêm chỉnh thực hiện các pháp luật đã ban hành, cùng với việc bảo vệ môi trường sống của Hổ kết hợp hài hòa hai biện pháp bảo tồn nguyên vị (InSitu) trong hệ thống các Khu BTTN và VQG (128 khu) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời tổ chức tốt việc bảo tồn chuyển vị (ExSitu) tức là tổ chức xây dựng hình thức nuôi bán tự nhiên, nuôi nhốt trong các trang trại, trong các môi trường phù hợp với đặc điểm sinh thái của Hổ, có nghĩa là Hổ phải có phạm vi hoạt động nhất định, tránh gò bó về tâm lý của Hổ. Quần thể Hổ mà các gia đình, các doanh nghiệp, các trang trại nuôi đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận, phải được coi là nguồn dự trữ các vật liệu di truyền quan trọng góp phần vào việc tái lập các quần thể đã bị biến mất trong khu vực phân bố tự nhiên cũng như góp phần tăng cường sức sống cho các quần thể Hổ hoang dã bị suy yếu. Điều không kém phần quan trọng để bảo tồn Hổ là phải tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân, để họ có thái độ, có các hành vi đúng với đạo lý là bảo vệ các tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ loài thú quý hiếm chính là bảo vệ cuộc sống của chính bản thân và gia đình mình. Với tầm quan trọng của việc bảo tồn Hổ, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã thế giới đã chọn năm 2010 năm Canh Dần là năm hành động thiết thực để bảo tồn loài Hổ. Bằng việc tổ chức những cuộc diễn đàn, giới thiệu về tầm quan trọng, về vai trò, chức năng sinh thái của họ hàng nhà Hổ trong thế giới tự nhiên. Để hưởng ứng việc bảo tồn Hổ năm 2010 Chính phủ Thái Lan đã đăng cai sẽ tổ chức hội nghị cấp Bộ trưởng các nước Châu Á Thái Bình Dương nhằm xây dựng một chiến lược bảo tồn Hổ đang hiện hữu trên một số quốc gia trên thế giới.
- Tại Việt Nam Cục bảo tồn ĐDSH - Tổng cục MT thuộc Bộ TN&MT đã đề xuất 5 hành động ưu tiên để bảo tồn Hổ như: Điều tra đánh giá hiện trạng; Nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật đã có; Xây dựng quy chế quản lý và giám sát các cơ sở nuôi nhốt Hổ; Chiến dịch nâng cao nhận thức truyền thông và xây dựng cơ chế tài chính cho bảo tồn Hổ.
Để thực hiện được mục tiêu bảo tồn Hổ cần có sự phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các Bộ ngành có liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công an, Bộ Công thương cùng với các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét