Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2010

Vì sao các công ty bảo vệ phát triển mạnh

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty Điều tra & Bảo vệ V, lý giải: đó là do nhu cầu xã hội. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp, các cá nhân có nhu cầu về bảo vệ tài sản, bảo vệ con người trong khi lực lượng bảo vệ chính quy chỉ có ở cơ quan công quyền. Để đáp ứng nhu cầu đó, dịch vụ bảo vệ đã ra đời như một xu hướng tất yếu.

Mấy năm gần đây, hình ảnh những nhân viên làm dịch vụ bảo vệ mà từ quen dùng là "vệ sĩ" đã không còn xa lạ với đời sống dân cư. Không ai phủ nhận mặt tích cực của loại hình dịch vụ mới mẻ này nhưng hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua mà thủ phạm lại chính là những vệ sĩ đã khiến chúng ta giật mình lo ngại: Họ là ai?


Một số hình ảnh của công ty bảo vệ KTC Việt Nam trong những ngày đầu khi mới thành lập



-Là một loại dịch vụ ăn khách

Vào thời điểm năm 1995, cả nước chỉ có một doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ duy nhất là Công ty Long Hải. Cho đến giữa năm 2001, con số này là 6. Còn đến thời điểm này, theo số liệu thống kê cả nước hiện có 121 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo vệ ở 23 tỉnh, thành với con số nhân viên lên tới gần 22.000 người. Ấy là còn chưa kể một số doanh nghiệp tư nhân đội lốt dưới dạng "dịch vụ cung cấp thông tin" nhưng thực chất là làm dịch vụ bảo vệ. Trong đó, nhiều nhất là Saigon: 60 công ty, kế đến là Hà Nội: 43 công ty, Đồng Nai: 12 công ty. Điều đó phần nào cho thấy tốc độ phát triển chóng mặt của loại hình dịch vụ này.

Và, thế là vệ sĩ xuất hiện ở khắp nơi, với đủ các kiểu trang phục tùy theo sở thích cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp. Có doanh nghiệp cho vệ sĩ mặc tuyền một màu đen, nhìn đã thấy khiếp vía. Có doanh nghiệp lại cho mặc trang phục màu vàng với dây đeo vắt từ vai xuống bụng. Có doanh nghiệp lại cho vệ sĩ mặc kiểu nhà binh với đầy đủ lon cầu vai, ve áo trông cứ như sĩ quan quân đội, sĩ quan an ninh. Thôi thì trang phục đủ loại, đủ kiểu với đủ các loại phong cách, trường phái, dấu ấn.

-Và các công ty bảo vệ đã bắt đầu xuất hiện như thế nào

Một nhà hàng ở Saigon đã từng bị đối tác thuê vệ sĩ làm cho khóc dở mếu dở bằng quái chiêu độc nhất vô nhị. Đó là từ tờ mờ sáng tới đêm khuya, một tốp vệ sĩ đến vài chục người ăn vận tuyền một màu đen, hai tay khoanh trước ngực, mặt lạnh còn hơn cả sắt, vai kề vai đứng quây xung quanh nhà hàng khiến các khách hàng hãi hùng không ai dám bước chân vào.

Hay một ông tổng giám đốc tậu được cô vợ ba là người mẫu nghiệp dư, có ưu điểm là quá xinh nhưng lại mắc cái tật muôn thuở của rất nhiều người đẹp là đa tình. Thế là để giữ vợ, ông tổng giám đốc này cũng ký hợp đồng thuê vệ sĩ... bảo vệ vợ. Ông bảo, nhờ có vệ sĩ mà tên nào dù có gan hùm cũng chả bao giờ dám mơ tưởng hay tơ hào đến người đẹp.

Hay một cậu ấm cô chiêu nào đó thích chơi hơn thích học, mà cha mẹ lại quá dư tiền thì chỉ cần ký hợp đồng, ngay lập tức sẽ có một hay nhiều anh chàng vệ sĩ điển trai, biết võ nghệ sẵn sàng trở thành "bảo mẫu" của các cậu ấm cô chiêu. Họ đưa các cậu ấm cô chiêu đi học và rước về nhà, họ kè kè bên các cậu ấm cô chiêu y hệt một cái bóng. Nói tóm lại, ngoài bảo vệ cao ốc, khách sạn, nhà hàng, công sở như ta thuờng thấy, vệ sĩ còn bảo vệ cả những chuyện tế nhị, những thứ vô hình tưởng như không thể bảo vệ được...

-Những cuộc tuyển dụng ồ ạt
Việc tuyển dụng và đào tạo các vệ sĩ là cả một câu chuyện dài với đủ các tình tiết bi hài. Một cặp vợ chồng chuyên nghề mổ lợn ở một tỉnh phía sau khi thấy dịch vụ bảo vệ ăn khách cũng từ bỏ dao thớt chuyển qua nghề cung cấp vệ sĩ. Một chủ hàng karaoke ở Saigon cũng đứng ra thành lập doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ. Doanh nghiệp này xuất chiêu tuyển sinh ồ ạt rồi thuê một ông thầy dạy võ về đào tạo cách đấm đá cho nhân viên. Có doanh nghiệp thì chuyên thu nạp các vệ sĩ... bị sa thải ở các công ty khác về công ty mình để khỏi mất phí đào tạo (?!). Nhiều doanh nghiệp thì cứ đăng báo tuyển sinh ồ ạt, càng tuyển sinh nhiều càng thu được nhiều phí đào tạo và mục tiêu kinh doanh chính của các doanh nghiệp này là thu lợi nhuận từ phí đào tạo chứ không phải là từ việc cung cấp dịch vụ bảo vệ cho khách hàng.

 

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét