Trung bình mỗi năm người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu chiếc bếp gas nói chung. Riêng về bếp gas mini, Việt Nam là một trong ba nước tiêu thụ lớn nhất thế giới với khoảng 2,5 triệu chiếc/năm. Thế nhưng, chất lượng bếp gas được sản xuất trong nước hiện nay đang bị thả nổi.
Khách mua bếp lưỡng lự khó phân biệt chất lượng sản phẩm khi bản hướng dẫn sử dụng ghi tiêu chuẩn kỹ thuật bếp rất chung chung |
Thị trường bếp gas tại TP.HCM hiện có hàng trăm loại, nhãn mác của nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Một nhân viên cửa hàng bán sản phẩm này thừa nhận, thật khó mà biết chất lượng của từng loại tốt xấu thế nào. Chỉ có thể nhìn nhận cảm quan vào vật liệu, van an toàn và mức độ quảng cáo rầm rộ sản phẩm.
Mỗi nơi một kiểu
Nói về tiêu chuẩn sản xuất bếp gas mini của công ty, ông Nghiêm Xuân Khải, trưởng phòng quản lý chất lượng công ty sản xuất bếp gas Namilux cho biết, công ty đang phải áp dụng tiêu chuẩn của Nhật Bản thì mới xuất khẩu sản phẩm đi được. Tuy nhiên, khi sản xuất bếp dùng ở Việt Nam, công ty ông buộc phải thay đổi một số tiêu chuẩn thì bếp mới sử dụng được khi mà người dân thường dùng bình gas mini bơm đi bơm lại nhiều lần. Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc Namilux, thực ra với loại bếp mini thì Việt Nam đã có hẳn một bộ tiêu chuẩn (VN TCVN 7053:2002 cho loại bếp nấu ăn xách tay gắn chai khí đốt hoá lỏng), và khi so sánh với các bộ tiêu chuẩn sản xuất bếp gas mini của nước ngoài thì nó chẳng khác gì. Nhưng tiêu chuẩn cho loại bếp gas sử dụng bình gas lớn thì công ty tự xây dựng và đưa ra một tiêu chuẩn riêng.
Cũng cho biết công ty tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho các loại bếp gas của mình, ông Nguyễn Văn Hải, trưởng phòng quản lý chất lượng Rinnai nói "phải nhờ vào sự tư vấn hỗ trợ của phía Nhật Bản, vì công ty thuộc tập đoàn Rinnai Nhật".
Tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn, nên thực tế phần lớn các công ty, cơ sở sản xuất bếp gas hiện nay đều làm ở mức mình kham nổi, còn an toàn ra sao, khó mà kiểm chứng được. "Chúng tôi chả dại gì đi công bố những tiêu chuẩn khắt khe để làm khó mình, bởi việc đảm bảo an toàn bếp gas phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố mà chúng tôi khó kiểm soát được!", giám đốc một công ty sản xuất bếp gas thẳng thắn.
Thả nổi
Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM cho biết, trước đây các cơ sở sản xuất bếp gas đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hoá với chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, và chi cục là đơn vị có trách nhiệm giám sát, kiểm tra. Nhưng kể từ khi luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá có hiệu lực, sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (danh mục nhóm 2) được phân về các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành danh mục, thì sản phẩm bếp gas chưa được đưa vào danh mục do bộ Khoa học và công nghệ quản lý. Do đó, các cơ quan chức năng chỉ thực hiện việc kiểm tra, giám sát khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại về chất lượng bếp gas và căn cứ đánh giá theo tiêu chuẩn do doanh nghiệp công bố áp dụng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực, do một số bộ ngành liên quan đến nay vẫn chưa ban hành danh mục nhóm 2 nên hiện cũng chẳng biết sản phẩm bếp gas nằm trong danh mục do bộ ngành nào quản lý! Vì vậy, tình trạng mỗi cơ sở sản xuất tự xây dựng và tự công bố một tiêu chuẩn riêng cho bếp gas là điều chẳng thể nào bắt bẻ (!) Nếu xảy ra cháy nổ hoặc tranh chấp giữa cơ sở sản xuất và người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, mà cơ sở sản xuất vẫn đảm bảo tiêu chuẩn do họ tự công bố thì người tiêu dùng chỉ có thể im lặng chấp nhận thiệt hại. Đáng lo ngại, các cơ sở hiện nay nhập hoặc mua vật liệu từ nhiều nguồn không kiểm soát được để sản xuất bếp gas.
Riêng về tiêu chuẩn cho khí đốt hoá lỏng, bà Nga cho biết hiện bộ Khoa học và công nghệ đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng. Theo các nhà khoa học, về lâu dài, nếu khí gas không được kiểm soát và quy định chặt chẽ ở mức cho phép thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người dùng.
bài và ảnh Lê Quỳnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét