Bộ kỷ vật tóc Bác Hồ của người cận vệ già | ||
Ký ức của người cận vệ già Cụ Ích kể, năm 1927 (lúc đó cụ vừa tròn 18 tuổi), phong trào yêu nước ở quê hương Đan Phượng của cụ bắt đầu có dấu hiệu bùng nổ. Bằng tinh thần yêu nước của một thanh niên mới lớn, cụ xin phép gia đình xung phong vào Đội tự bảo vệ Hà Nội, bảo vệ cầu Long Biên. Sau đó cụ được cử lên chiến khu Việt Bắc công tác ở văn phòng của Bộ Quốc Phòng. Về sau cụ được chuyển về công tác tại Phòng Quản trị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ cho đến khi nghỉ hưu. Cũng chính nhờ được chuyển về công tác ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ mà cụ Ích đã nhiều lần được gặp Bác Hồ, được tận mắt nhìn thấy "thần tượng" mà cụ ngưỡng mộ bấy lâu. Lần thứ nhất, đó là vào những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác Hồ đến thăm Hội Luật gia ở phố Trần Nhân Tông. "Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác Hô, trong lòng dấy lên bao cảm xúc khó tả. Vừa hạnh phúc vừa cảm động. Lúc đến thăm, khi thấy mọi người ào ra vỗ tay đón Bác, Bác thăm hỏi ân cần rồi nhẹ nhàng nhắc khéo: "Các cô các chú đã đi học chưa? Nếu chưa thì gặp Bác một lúc rồi về đi học cho kịp giờ". Lần tiếp theo là lần cụ Ích làm đội trưởng của một trung đội cảnh vệ, có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ ra sân bay sang Pháp để dự hội nghị Phongtenblo (1946). Khi ra đến sân bay, Bác Hồ đứng trước đoàn quân tiễn Bác và ân cần dặn dò: "Các chú ở nhà luyện tập cho tốt, Bác đi rồi Bác lại về". Những lần gặp đó như vun đắp thêm ước mong được cận kề bên Bác trong ông Ích. Vốn là người khéo tay, cẩn thận nên vào những lúc rảnh rỗi, anh em trong đơn vị thường hay nhờ cụ Ích cắt tóc hộ. "Hai đồng chí Ninh và Kháng thời bấy giờ là Cục phó Cục Cảnh vệ, thấy tôi khéo tay nên đề xuất chuyển tôi đến phục vụ cho các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ở căn nhà nhỏ 33 Trần Phú. Sau đó, đến 1965, khi đồng chí Trần Hạnh (vốn là bí thư tỉnh Trà Vinh) người từng đảm đương việc cắt tóc cho Bác Hồ được điều chuyển sang làm trưởng đội bảo vệ lãnh tụ thì mọi người lại tín nhiệm giao cho tôi làm công việc này thanh anh Hạnh" - cụ Ích kể lại trong rưng rưng xúc động. Đây chính là cơ duyên giúp cụ Ích hiện thực hóa ước mong bấy lâu. Âm thầm lưu giữ tóc Bác Hồ Bộ dụng cụ các chiến sỹ cảnh vệ từng cắt tóc cho Bác Cùng phục vụ Bác thời kỳ này ngoài cụ Ích còn có bác sỹ Phạm Ngọc Thạch người chịu trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho Bác vì thời gian này sức khỏe của Bác không được tốt. Kể lại cho chúng tôi nghe những kỷ niệm khó quên về những tháng ngày được gần gũi Bác Hồ, cụ Ích không khỏi bồi hồi xúc động. Ở tuổi bát tuần, cụ dường như không còn nhớ được nhiều những chuyện quá khứ xa xưa, nhất là những chuyện gia đình, đồng đội. Riêng khi nhắc đến Bác Hồ thì từng chi tiết nhỏ nhất về Bác cụ vẫn nhớ rõ mồn một khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Cụ cho biết, lần đầu tiên nhận được thông báo hôm sau vào cắt tóc cho Bác Hồ cụ đã vui đến mức cả đêm đó trằn trọc không ngủ được. Thế rồi, giây phút được cận kề bên vị "cha già" mà cụ vô vàn kính yêu không hiểu sao nước mắt cụ cứ ứa ra vì xúc động. Nhìn mái tóc của Người lấm tấm nhiều sợi bạc mà cụ không khỏi xót xa. "Trong mỗi lần cắt tóc, bao giờ Bác cũng chủ động bắt chuyện để hỏi han về gia đình tôi, về cuộc sống của nhân dân bên ngoài. Thời kỳ đó còn dùng tem phiếu, Bác rất hay quan tâm đến việc mọi người dùng tem phiếu có gặp nhiều khó khăn hay không? Thực phẩm mua bán bằng tem phiếu có đảm bảo chất lượng không? Mọi người ăn uống có được no không?..." - cụ Ích kể lại. Cụ còn nhớ, trong một lần cắt tóc cho Bác Hồ, Người có hỏi thăm về tình hình quê hương Liên Trung (Đan Phượng) quê cụ, cụ Ích đã thưa thật với Bác chuyện đê Liên Trung quê cụ đang bị nứt, có nguy cơ vỡ. Vậy là liền ngay sau đó, Bác Hồ đã về tận nơi chỉ đạo Bộ Xây dựng cho gia cố lại đê, xây hệ thống cống Đan Hoài để cung cấp nước tưới tiêu cho bà con nhân dân xung quanh. Việc làm này khiến cả gia đình cụ Ích cùng toàn thể nhân dân vùng Liên Trung xúc động và không ngớt lời cám ơn sự quan tâm thân tình, thiết thực của Bác dành cho bà con. Xuất phát từ tình yêu dành cho Bác Hồ và ý thức rõ trách nhiệm của một người công dân đối với lãnh tụ nên mỗi lần phục vụ Bác cụ đều rất cẩn thận. Những dụng cụ dùng để cắt tóc, cạo râu cho Bác bao giờ cũng được cụ Ích hơ cồn diệt khuẩn, vệ sinh sạch sẽ rồi mới dùng. "Ngay từ lúc mới được cử vào cắt tóc cho Bác tôi đã nảy sinh ý nghĩ sẽ góp nhặt những sợi tóc của Người để giữ lại bên mình làm kỷ niệm. Bởi thế cho nên khi cắt tóc cho Người tôi thường dùng một khăn voan mỏng màu trắng, cuốn quanh vai Người để tóc không bị rơi ra sàn nhà. Cắt xong tóc, tôi chỉ làm một động tác nhẹ nhàng là tháo chiếc khăn ra rồi vo tròn từ bên này sang bên kia để những lọn tóc đó nằm gọn phía trong. Sau đó tôi mang về nhà, cho vào một túi nilon, lấy bút ghi vào một mảnh giấy để đánh số thứ tự rồi cất vào tủ cá nhân của mình" - cụ Ích thật lòng chia sẻ. Mang theo tóc Bác Hồ đến Hội nghị Paris Cứ thế, mỗi lần cắt tóc cho Bác là cụ Ích lại âm thầm góp nhặt và giữ gìn cẩn trọng như một thứ tài sản vô giá của riêng mình. Trong vòng 2 năm, kể từ 1965 đến 1967 cụ Ích đã góp nhặt được hơn 30 lọn tóc của Bác. Để rồi, mỗi lần đi công tác xa hoặc làm những nhiệm vụ quan trọng cụ lại kín đáo lấy một lọn tóc của Bác để vào túi áo bên ngực trái của mình như để tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho cụ hoàn thành tốt công việc được giao. Cụ lý giải: "Tôi không cho những lọn tóc là những lá bùa có phép thuật gì đó cáo siêu mà tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng có một phần cơ thể Bác trong người cũng chính là đang có Bác bên cạnh". Năm 1967, cụ Ích được cử sang Pháp để bảo vệ đoàn ngoại giao Việt Nam nên thời kỳ này cụ không được tiếp tục phục vụ Bác như trước đây. Trước khi sang Pháp, cụ đã cẩn thận cất 30 lọn tóc của Bác Hồ vào một chiếc vali nhỏ rồi giao cho một người bạn thân tín của mình gìn giữ. Tuy nhiên, khi mới sang Pháp được hai năm thì đến 1969 cụ nhận được tin Bác qua đời. Ngày toàn thể nhân dân Việt Nam tổ chức lễ truy điệu Bác ở quảng trường Ba Đình, một mình cụ âm thầm ngồi trong phòng riêng, lấy một bức ảnh Bác Hồ đặt lên bàn cùng lọn tóc của Người mà cụ mang theo rồi làm truy điệu Bác theo cách riêng của mình. Cuối năm 1969, cụ xin về nước trước thời hạn. Khi nhận lại va ly chứa những kỷ vật là một phần thân thể của Người từ tay người bạn thân, cụ đã bật khóc. Cụ quyết định trao lại số kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Công an nhân dân để mọi người có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng những gì còn lại của một vị lãnh tụ đã suốt đời vì nước vì dân. Tĩnh Hà |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét