Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

NÊN GIỚI HẠN THỜI GIAN KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CƯ TRÚ CỦA CÔNG DÂN

XUÂN VIỄN

Pháp luật về cư trú của công dân là quy định bắt buộc và cần thiết nhằm phục vụ có hiệu quả công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu của cơ quan công an. Liên quan đến vấn đề này, Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật có liên quan đến việc quản lý hộ khẩu, nhân khẩu, cư trú của công dân đều chưa có quy định cụ thể về giới hạn thời gian kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

Theo quy định tại điều 46 của Bộ Luật dân sự và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Tổ chức, cá nhân muốn vào chỗ ở của người khác thì phải có sự đồng ý của người đó. Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của người khác và phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Theo Thông tư số 06/2007/TT-BCA-C11 thì cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân có thẩm quyền quản lý vấn đề liên quan đến cư trú tại địa bàn đảm nhận. Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân cấp phường, thị trấn, trưởng công an xã có thẩm quyền kiểm tra trực tiếp việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, tổ chức thuộc địa bàn quản lý theo thời gian định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm. Có nghĩa là pháp luật không giới hạn về thời gian kiểm tra, cơ quan chức năng có thể kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân bất cứ lúc nào.

Trong thực tế, cũng có  những đợt kiểm tra việc chấp hành pháp luật về nhân khẩu, hộ khẩu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành vào đêm khuya, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Nếu chỉ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú liên quan đến vấn đề đăng ký thường trú, tạm trú thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có thể tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định (có thể quy định trước 22 giờ). Trong trường hợp liên quan đến yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc những trường hợp đặc biệt khác pháp luật mới không giới hạn về thời gian. Hiện nay, việc kiểm tra chấp hành pháp luật về cư trú vào bất kỳ thời điểm nào như quy định hiện hành là chưa hợp lý. Nên quy định một số trường hợp "đặc biệt" mới giao thẩm quyền kiểm tra bất kỳ cho các cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, trường hợp nào thì được coi là "đặc biệt"? Thông qua tin báo của quần chúng nhân dân, thông qua hoạt động trinh sát, nghiệp vụ và sự chỉ đạo của cấp trên…? Các "thông tin" này cần phải được tham khảo, hội ý, phân tích của tập thể có liên quan trước khi đưa ra quyết định phân công cá nhân, tổ công tác có thẩm quyền tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của công dân. Bởi, hoạt động kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền (công an) cũng giống như tất cả những hoạt động mang tính quản lý nhà nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không nhất thiết phải tiến hành thanh tra, kiểm tra khi chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm có thể xảy ra trên thực tế. Điều quan trọng là phải thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật có liên quan trong cộng đồng dân cư.

Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đối với công dân là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan cũng cần nghiên cứu, quy định cụ thể về giới hạn thời gian kiểm tra để hạn chế ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Trích dẫn từ:

 http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/

68181/Default.aspx

0 nhận xét:

Đăng nhận xét