Theo quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học mà Bộ Xây dựng đã đăng ký thì đến năm 2011, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị sẽ nâng cấp thành trường đại học chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Xây dựng mới đây, Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng cho biết: Nhà trường đã đề xuất với Bộ và đang lập đề án chủ động đẩy sớm tiến độ một năm. Tức là đến năm 2010, trong hệ thống các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng sẽ có thêm một trường đại học.
Trường CĐ Công trình đô thị tưng bừng không khí đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chia sẻ ý tưởng về một trường đại học chuyên ngành sâu về hạ tầng đô thị, TS Nguyễn Bá Thắng cho biết: Đây là sự phát triển tất yếu và cần thiết.
Tất yếu ở đây không phải hễ là trường cao đẳng thì đương nhiên sau một số năm sẽ tiếp tục nâng cấp thành trường đại học mà tất cả đều xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống. Ông Thắng nhận định: Những năm qua, Việt Nam đạt tốc độ đô thị hóa cao, xấp xỉ 30% và dự báo đến năm 2025 gần một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực đô thị. Đô thị phát triển kéo theo nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, công trình ngầm, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn... của các đô thị cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên, lực lượng lao động các chuyên ngành nói trên, nhất là nhân lực cho vận hành và quản lý trong hiện tại và tương lai còn rất thiếu. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị là cơ sở đào tạo có uy tín, giàu kinh nghiệm đào tạo các ngành cấp thoát nước, điện đô thị, quản lý cây xanh đô thị, quản lý khu đô thị... từ trình độ cao đẳng trở xuống. Việc mở rộng thêm các ngành đào tạo mới như giao thông đô thị, công trình ngầm đô thị, chiếu sáng đô thị, xử lý rác thải, quản lý khu đô thị, tin học quản lý và xây dựng đô thị... hay nâng cấp trường thành trường đại học chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian ngắn tới đây vẫn là hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu bức xúc về lao động của thực tế cuộc sống.
Sân vườn kết nối khu giảng đường và xưởng thực tập.
Ông Thắng cho biết, hiện tại Nhà trường đang trong thời gian nghiên cứu lập đề án song lãnh đạo Nhà trường đã sớm thống nhất chủ trương xuyên suốt là xây dựng thành một trường đại học đặc thù chuyên ngành hẹp về hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Bên cạnh việc xây dựng đề án, ngay tại thời điểm này, Nhà trường cũng đang hoàn thiện các điều kiện cần và đủ khi nâng cấp lên thành trường đại học. Đó là các điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất và xây dựng chương trình đào tạo. Ông Trịnh Văn Dũng - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, hiện tại có đội ngũ gần 180 cán bộ, giảng viên. Những năm qua, Nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này đi học trong và ngoài nước nâng cao trình độ. Đến năm 2010, chắc chắn Nhà trường đạt chỉ tiêu 50% giảng viên có trình độ cao học. Nhà trường cũng tiếp tục phấn đấu để ít nhất 20% giảng viên có bằng tiến sĩ. Ngoài ra, Nhà trường cũng đã thiết lập và mời các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng tham gia giảng dạy, cùng xây dựng chương trình đào tạo.
Học thầy và học bạn.
Về cơ sở vật chất, Nhà trường có 2 cơ sở. Cơ sở 1 ở Hà Nội quy mô 5ha với đầy đủ hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành các nghề, ký túc xá đồng bộ, đủ đáp ứng lưu lượng đào tạo 5.000 học sinh, sinh viên/năm. Đặc biệt, với dự án Trung tâm đào tạo ngành nước và môi trường do Pháp tài trợ, Nhà trường đã đầu tư 2 hệ thống cấp và thoát nước vừa phục vụ công tác đào tạo, vừa phục vụ dân sinh khu vực xung quanh. Bản thân cảnh quan Nhà trường với hồ nước, sân vườn, cây xanh... đồng thời là mô hình phục vụ công tác đào tạo về cây xanh và chiếu sáng đô thị.
Bên cạnh đó, Nhà trường còn có cơ sở 2 tại TP Huế, quy mô cũng 5ha. Hiện tại, Bộ Xây dựng đã ký biên bản ghi nhớ với tổ chức JICA Nhật Bản về việc tài trợ đầu tư cho cơ sở 2 của nhà trường trung tâm đào tạo ngành nước.
Thầy và trò thảo luận sôi nổi trong lớp học chuyên ngành cấp nước.
Về chương trình đào tạo, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các chương trình giảng dạy chuyên ngành đang đào tạo ở các cấp trình độ, Nhà trường đồng thời đưa các cán bộ giảng viên của mình và phối hợp với các chuyên gia chuyên ngành tại ở các đơn vị để xây dựng chương trình đào tạo. Đơn cử, nhà trường đang cùng với chuyên gia của TCty HUD xây dựng chương trình đào tạo quản lý khu đô thị mới... Phương châm của Nhà trường là mọi chương trình đào tạo đều xây dựng và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và phục vụ cuộc sống.
Việc nâng cấp Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị thành trường đại học sớm hơn quy hoạch một năm là khả thi - Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng nói.
Tú Tú
0 nhận xét:
Đăng nhận xét