Người lao động đã khởi kiện đòi công ty cũ bồi thường 165 triệu đồng.
Ngày 28-9, TAND TP.HCM đã xử vụ ông MTH kiện đòi Tổng Công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin (EMICO) bồi thường 165 triệu đồng vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Vụ kiện khá lạ bởi nguyên nhân ông H. bị sa thải là do... xin đi du học nước ngoài.
Đơn phương đuổi việc
Tháng 3-2005, ông H. được Chi nhánh tại TP.HCM của Công ty Ứng dụng phát triển phát thanh truyền hình (BDC) ký hợp đồng lao động với thời hạn sáu tháng. Hợp đồng hết hạn, hai bên không ký hợp đồng lao động mới nhưng ông H. vẫn tiếp tục làm việc. Tháng 5-2006, ông H. gửi đơn xin đi du học nước ngoài với nội dung là yêu cầu công ty hỗ trợ về tài chính, thủ tục. Tuy nhiên, khoảng hai tháng sau, giám đốc chi nhánh đã ra quyết định cho ông H. nghỉ việc.
Lý giải, giám đốc chi nhánh cho biết BDC không có chính sách đưa nhân viên đi du học nước ngoài. Ông đã giải thích miệng với ông H. về việc này. Mặt khác, ông nghĩ lá đơn của ông H. có ý nghĩa như thông báo sắp nghỉ việc nên ông đã ra quyết định trên để ông H. có thời gian thực hiện kế hoạch du học của mình.
Về phần mình, ông H. lại nói trước đây chính giám đốc BDC đã gợi ý ông làm hồ sơ xin du học để công ty hỗ trợ. Nghe vậy, ông rất phấn khởi, thông báo với gia đình, bạn bè và nhận được không ít lời chúc tụng. Đến khi có quyết định cho nghỉ việc, không chỉ bản thân ông bị sốc mà mẹ ông (gần 80 tuổi) cũng buồn phiền, lâm bệnh nặng...
Để kiện quyết định trên, ông H. gặp không ít khó khăn. Lúc ông vào làm việc thì chi nhánh thuộc BDC. Chỉ một tháng sau khi ông nghỉ, BDC sát nhập vào EMICO và chi nhánh ông từng làm việc trở nên bơ vơ vì không có tên trong danh sách sát nhập. Thời gian này ông H. bối rối, không xác định được ai là bị đơn. Nếu kiện chi nhánh thì tòa sẽ từ chối nhận đơn vì chi nhánh không có tư cách pháp nhân, muốn kiện BDC thì BDC đã không còn, cả EMICO lúc đó cũng không liên quan.
Phải mãi đến cuối năm 2007, khi chi nhánh được chuyển thành một đơn vị hạch toán phụ thuộc EMICO thì ông mới nộp đơn kiện ra TAND quận 5 nơi chi nhánh có văn phòng. Sau đó, EMICO đã làm giấy ủy quyền cho giám đốc chi nhánh giải quyết.
Phải nhận lại và bồi thường
Ông H. đòi bồi thường rất nhiều khoản. Ngoài tiền lương 35 tháng không làm việc còn có tiền cơm, tiền điện thoại, tiền làm thêm giờ... Ngoài ra, ông yêu cầu EMICO phải đăng báo xin lỗi trên ba số liên tiếp và bồi thường danh dự, tổn thất tinh thần cho ông tám triệu đồng. Ông còn cho rằng khi vào làm việc, ông đã nộp cho chi nhánh hai cuốn sổ bảo hiểm xã hội nhưng chỉ được trả lại một. Nay ông yêu cầu EMICO phải ghi gộp thời gian làm việc vào sổ bảo hiểm...
Tháng 6-2009, TAND quận 5 đã xử sơ thẩm, tuyên hủy quyết định cho thôi việc, buộc EMICO phải nhận ông H. vào làm việc lại, bồi thường 35 tháng lương cùng tiền vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày (tổng cộng khoảng 65 triệu đồng).
Tòa không chấp nhận các yêu cầu bồi thường về tiền cơm, tiền điện thoại... do không có trong các phần phụ cấp lương theo pháp luật lao động, cũng không có trong quy định của EMICO. Về việc sửa sổ bảo hiểm, ông H. phải liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để nơi này hướng dẫn giải quyết. Tòa cũng bác yêu cầu buộc EMICO đăng báo xin lỗi và bồi thường danh dự vì quyết định cho nghỉ việc tuy sai pháp luật lao động nhưng không xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của ông H.
Không đồng ý, EMICO kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, TAND TP phân tích: Theo luật, nếu hết hợp đồng ngắn hạn mà không ký tiếp hợp đồng mới nhưng người lao động vẫn làm việc thì sau 30 ngày được xác định là hợp đồng không thời hạn. Đơn của ông H. là đơn xin du học chứ không phải đơn xin nghỉ việc nên giám đốc chi nhánh ra quyết định cho nghỉ việc là sai.
Chưa phục, giám đốc chi nhánh yêu cầu tòa xác định hợp đồng không thời hạn trên vô hiệu bởi theo điều lệ công ty, chi nhánh chỉ được quyền ký hợp đồng ngắn hạn 3-6 tháng chứ không được ký hợp đồng dài hạn. Tòa giải thích: Chi nhánh chỉ được ký hợp đồng theo ủy quyền bởi công ty mới là pháp nhân sử dụng lao động. Khi hết hạn hợp đồng, lẽ ra chi nhánh phải báo cáo lên công ty biết để ký tiếp hợp đồng mới nhưng lại không báo là có lỗi...
Cuối cùng, TAND TP đã tuyên y án sơ thẩm, riêng phần bồi thường có sửa lại là trừ đi phần tiền vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày vì công ty đã trả cho ông H. rồi.
PhapluatTPHCM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét