Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Cần bảo vệ người thầy !

Khi cần thiết, người thầy phải được bảo vệ, không thể để họ tự lo hay đổ hết mọi chuyện cho họ

Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng không phải không có hiểm nguy rình rập, nhất là trong điều kiện hiện nay. Hiểm nguy có thể do vô tình, như chuyện xảy ra đối với thầy Võ Hải Bình ở Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM mới đây, hay cố ý do thiếu kiềm chế của thầy cô. Hiểm nguy cũng có thể đến từ chính "nhân vật trung tâm" của giáo dục, như vụ việc thầy Đặng Hữu Dũng ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM bị học trò tạt axít... Như vậy, khi cần thiết, người thầy phải được bảo vệ, không thể để họ tự lo hay đổ hết mọi chuyện cho họ là xong chuyện.


Một tiết học ở Trường THPT Dân lập Nguyễn Khuyến. Ảnh: T. THẠNH

Trở lại trường hợp của thầy Võ Hải Bình, người vừa bị Hội đồng Kỷ luật của Trường THPT Lê Quý Đôn buộc thôi việc. Những ngày qua, dư luận đã tỏ ra bất bình, không tán thành hình thức kỷ luật quá nặng này. Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Bình là "hết sức vô lý". Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng Phòng Giáo dục THPT Sở GD-ĐT Hà Nội, nhìn nhận: Chỉ cần đưa ra hình thức răn đe và chỉ ra khuyết điểm để thầy giáo Bình khắc phục chứ không nên cho nghỉ việc.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, qua phân tích hành vi của thầy Bình với điều 25 Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ "về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức"; khoản 5.5, điểm 5, mục 5, phần III Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 8-12-2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP, cũng đã cho rằng áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Bình là không phù hợp với các quy định của pháp luật.


Sau khi bày tỏ ý kiến, nhiều người trông chờ Sở GD-ĐT TPHCM xem xét lại hình thức kỷ luật thầy Bình cho thấu tình đạt lý với vai trò người quản lý cấp trên. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc có lẽ đã vô vọng, khi giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã cho các đại biểu HĐND TP biết quan điểm của sở là đồng ý với mức kỷ luật của nhà trường.


Hành vi phạt học sinh "thụt dầu" của thầy Bình là không chủ ý. Sức khỏe học sinh bị ảnh hưởng có thật sự do hình phạt này gây ra hay không, cũng chưa được hội đồng y khoa kết luận. Và, hành vi phạt học sinh của thầy Bình có thật sự ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục hay chưa mà phải có một quyết định kỷ luật như thế?


Hơn nữa, có một chi tiết khá quan trọng liên quan đến thầy Bình mà đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nêu ra khi chất vấn giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, rằng ông chính là người tích cực đấu tranh chống việc "chạy trường" ở Trường THPT Lê Quý Đôn trước đây. Từ đó, chúng ta có quyền nghi vấn: Quyết định buộc thôi việc phải chăng đã vi phạm luật, ảnh hưởng quyền lợi người lao động và nhạy cảm hơn là liên quan đến người tích cực chống tiêu cực?

Từ vụ việc của thầy Bình, những người làm nghề giáo như chúng tôi không khỏi băn khoăn: Ai sẽ bảo vệ người thầy, người tích cực chống tiêu cực, để giải tỏa dư luận, giải tỏa tâm lý của thầy cô, tránh những tiêu cực có thể xảy ra về quan hệ hành xử của thầy cô và học trò - điều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu của giáo dục?

Tôi từng bị học trò dọa "xử đẹp"

Bản thân người viết bài này cũng đã trải qua và thấu hiểu phần nào mối hiểm nguy đối với người thầy. Đó là trường hợp cách nay không lâu, 10 sinh viên của một lớp phải thi lại lần thứ năm một môn học đã có tin nhắn qua điện thoại di động dọa "xử đẹp" tôi như thầy Đặng Hữu Dũng, nếu tôi cho bất kỳ ai trong họ rớt. Các sinh viên này đe dọa tôi ghê gớm như vậy mặc dù họ chỉ nghe đâu đó thông tin tôi sẽ chấm bài thi lại lần thứ năm này. Trước đó, tôi không giảng dạy, cũng chưa lần nào chấm bài thi môn học đó cho sinh viên lớp này. Chính tin nhắn nêu trên đã làm cho một giảng viên được phân công chấm bài thi lại lần thứ năm của 10 sinh viên này không dám chấm!


Sự việc được nhà trường trình báo nhưng vẫn không có kết quả điều tra nào của cơ quan an ninh. Tôi cho rằng nếu đây là một tin nhắn hăm dọa có thật, nó sẽ gây tâm lý bất an cho mọi giảng viên. Hơn nữa, nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu khi thi trả nợ ở các trường.

Bùi Văn Trường (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

Chú trọng bảo vệ cán bộ công đoàn

Trong hai ngày 30-11 và 1-12, tại TPHCM, Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo lần 2 chương XIII (chương về CĐ) trong Bộ Luật Lao động sửa đổi và dự thảo lần 4 Luật CĐ sửa đổi

Theo nhiều đại biểu, so với trước, dự thảo chương XIII về CĐ đã quy định khá cụ thể vấn đề bảo vệ quyền lợi của cán bộ CĐ tại doanh nghiệp (DN). Thực tiễn trong thời gian qua, quy định về bảo vệ cán bộ CĐ hầu như không phát huy tác dụng; tình trạng đối xử bất bình đẳng đối với cán bộ CĐ thường xuyên diễn ra.

Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ CĐ cơ sở, từ đó họ ít mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ). Việc dự thảo lần này xây dựng theo hướng DN không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác... sẽ giúp cán bộ CĐ an tâm làm việc.

Điểm tiến bộ khác là dự thảo cũng quy định rõ quyền của CĐ cấp trên ở những DN chưa thành lập tổ chức CĐ. Cụ thể, ở những DN chưa thành lập CĐ cơ sở thì CĐ cấp trên có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ theo quy định của Bộ Luật Lao động.


Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức CĐ, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần quy định DN phải thường xuyên đối thoại với CĐ cơ sở để sớm hóa giải các vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập của NLĐ. Về khoản "phụ cấp chênh lệch tiền lương" do DN trả cho cán bộ CĐ chuyên trách được nêu trong dự thảo, nên để hai bên thỏa thuận và đưa vào thỏa ước lao động tập thể.


Về dự thảo Luật CĐ sửa đổi, theo các đại biểu, việc chỉnh sửa, bổ sung một số quy định nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ chức CĐ, vai trò của CĐ cấp trên cơ sở, những bảo đảm hoạt động CĐ, tài chính CĐ, cơ chế giải quyết tranh chấp đã tạo hành lang pháp lý cho CĐ hoạt động.

Đặc biệt, việc luật hóa nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ sẽ tạo thuận lợi cho việc trích nộp kinh phí CĐ ở tất cả các loại hình DN. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng nên thay từ "trích nộp" bằng từ "đóng" thì sẽ cụ thể hơn. Nhiều ý kiến góp ý cần tách riêng quyền, trách nhiệm của CĐ cơ sở và quyền, trách nhiệm của CĐ cấp trên để thấy rõ hơn vai trò, vị trí của CĐ cấp trên.

VĨNH TÙNG

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Video Clip: Tham nhũng đất đai tại thị xã Đồ Sơn

Tin tức về việc xét xử các bị cáo liên quan đến việc tham nhũng đất đại tại thị xã Đồ Sơn

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Phê duyệt dự án Xây dựng Hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng

UBND TPHCM vừa quyết định phê duyệt dự án Xây dựng Hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội làm chủ dự án và Tổ chức Cứu trợ trẻ em Vương quốc Anh (SCUK) tài trợ với tổng giá trị dự án là 2,1 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 11/2009 đến tháng 12/2011.
Mục tiêu dự án là xây dựng Hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng trên địa bàn TP nhằm thiết lập hệ thống bảo vệ trẻ em cấp quốc gia.
Dự án sẽ được thực hiện tại phường 10 và phường 13, quận 6; các phường Sơn Kỳ, phường Hòa Thạnh và phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.
* UBND TP đã thống nhất kế hoạch tổ chức mít-tinh "Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2009" cấp thành phố với chủ đề "Tiếp cận, phổ cập và quyền chăm sóc sức khỏe" diễn ra vào ngày 28/11/2009 tại quận 8. Theo kế hoạch này, UBND TP yêu cầu công tác phòng chống AIDS phải được xem là việc làm thường xuyên, liên tục, là công việc lâu dài; cần tập trung thực hiện tại các quận ven, các huyện ngoại thành nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, chống sự kỳ thị với những người nhiễm HIV/AIDS và những trẻ bị nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS...
Đồng thời UBND TP đề nghị tập trung đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nhân lực đến cơ sở; cân đối cơ cấu đầu tư và xây dựng lộ trình tăng đầu tư của TP cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS 5 năm (2011-2015).
UBND TP cũng chỉ đạo Sở Y tế - Thường trực Ủy ban Phòng, chống AIDS TP phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đề xuất bổ sung các nội dung và bổ sung nhân sự vào Ban chỉ đạo chăm sóc trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại TP; trình UBND TP xem xét quyết định để thực hiện trong tháng 11/2009.
(Theo Website VP)

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Sẽ có trường đại học chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học mà Bộ Xây dựng đã đăng ký thì đến năm 2011, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị sẽ nâng cấp thành trường đại học chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Xây dựng mới đây, Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng cho biết: Nhà trường đã đề xuất với Bộ và đang lập đề án chủ động đẩy sớm tiến độ một năm. Tức là đến năm 2010, trong hệ thống các cơ sở đào tạo của Bộ Xây dựng sẽ có thêm một trường đại học.


Trường CĐ Công trình đô thị tưng bừng không khí đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chia sẻ ý tưởng về một trường đại học chuyên ngành sâu về hạ tầng đô thị, TS Nguyễn Bá Thắng cho biết: Đây là sự phát triển tất yếu và cần thiết.

Tất yếu ở đây không phải hễ là trường cao đẳng thì đương nhiên sau một số năm sẽ tiếp tục nâng cấp thành trường đại học mà tất cả đều xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống. Ông Thắng nhận định: Những năm qua, Việt Nam đạt tốc độ đô thị hóa cao, xấp xỉ 30% và dự báo đến năm 2025 gần một nửa dân số Việt Nam sẽ sống ở khu vực đô thị. Đô thị phát triển kéo theo nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như giao thông, công trình ngầm, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thu gom và xử lý chất thải rắn... của các đô thị cũng tăng tương ứng. Tuy nhiên, lực lượng lao động các chuyên ngành nói trên, nhất là nhân lực cho vận hành và quản lý trong hiện tại và tương lai còn rất thiếu. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị là cơ sở đào tạo có uy tín, giàu kinh nghiệm đào tạo các ngành cấp thoát nước, điện đô thị, quản lý cây xanh đô thị, quản lý khu đô thị... từ trình độ cao đẳng trở xuống. Việc mở rộng thêm các ngành đào tạo mới như giao thông đô thị, công trình ngầm đô thị, chiếu sáng đô thị, xử lý rác thải, quản lý khu đô thị, tin học quản lý và xây dựng đô thị... hay nâng cấp trường thành trường đại học chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian ngắn tới đây vẫn là hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu bức xúc về lao động của thực tế cuộc sống.


Sân vườn kết nối khu giảng đường và xưởng thực tập.

Ông Thắng cho biết, hiện tại Nhà trường đang trong thời gian nghiên cứu lập đề án song lãnh đạo Nhà trường đã sớm thống nhất chủ trương xuyên suốt là xây dựng thành một trường đại học đặc thù chuyên ngành hẹp về hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Bên cạnh việc xây dựng đề án, ngay tại thời điểm này, Nhà trường cũng đang hoàn thiện các điều kiện cần và đủ khi nâng cấp lên thành trường đại học. Đó là các điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất và xây dựng chương trình đào tạo. Ông Trịnh Văn Dũng - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, hiện tại có đội ngũ gần 180 cán bộ, giảng viên. Những năm qua, Nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ này đi học trong và ngoài nước nâng cao trình độ. Đến năm 2010, chắc chắn Nhà trường đạt chỉ tiêu 50% giảng viên có trình độ cao học. Nhà trường cũng tiếp tục phấn đấu để ít nhất 20% giảng viên có bằng tiến sĩ. Ngoài ra, Nhà trường cũng đã thiết lập và mời các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng tham gia giảng dạy, cùng xây dựng chương trình đào tạo.


Học thầy và học bạn.

Về cơ sở vật chất, Nhà trường có 2 cơ sở. Cơ sở 1 ở Hà Nội quy mô 5ha với đầy đủ hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành các nghề, ký túc xá đồng bộ, đủ đáp ứng lưu lượng đào tạo 5.000 học sinh, sinh viên/năm. Đặc biệt, với dự án Trung tâm đào tạo ngành nước và môi trường do Pháp tài trợ, Nhà trường đã đầu tư 2 hệ thống cấp và thoát nước vừa phục vụ công tác đào tạo, vừa phục vụ dân sinh khu vực xung quanh. Bản thân cảnh quan Nhà trường với hồ nước, sân vườn, cây xanh... đồng thời là mô hình phục vụ công tác đào tạo về cây xanh và chiếu sáng đô thị.

Bên cạnh đó, Nhà trường còn có cơ sở 2 tại TP Huế, quy mô cũng 5ha. Hiện tại, Bộ Xây dựng đã ký biên bản ghi nhớ với tổ chức JICA Nhật Bản về việc tài trợ đầu tư cho cơ sở 2 của nhà trường trung tâm đào tạo ngành nước.


Thầy và trò thảo luận sôi nổi trong lớp học chuyên ngành cấp nước.

Về chương trình đào tạo, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các chương trình giảng dạy chuyên ngành đang đào tạo ở các cấp trình độ, Nhà trường đồng thời đưa các cán bộ giảng viên của mình và phối hợp với các chuyên gia chuyên ngành tại ở các đơn vị để xây dựng chương trình đào tạo. Đơn cử, nhà trường đang cùng với chuyên gia của TCty HUD xây dựng chương trình đào tạo quản lý khu đô thị mới... Phương châm của Nhà trường là mọi chương trình đào tạo đều xây dựng và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và phục vụ cuộc sống.

Việc nâng cấp Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị thành trường đại học sớm hơn quy hoạch một năm là khả thi - Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng nói.


Tú Tú

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Kế toán rút lõi hai tỷ đồng của ngân hàng

Ngày 22/11, Công an phường Thành Công, quận Ba Đình điều tra làm rõ vụ Dương Thị Thu Hằng, 26 tuổi, ở Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, kế toán Ngân Hàng Chinfon dùng thủ đoạn nghiệp vụ để làm sai lệch sổ sách, chiếm đoạt hàng tỷ đồng của ngân hàng này.

Cùng ngày, Hằng đã được chuyển lên công an quận Ba Đình để tiếp tục điều tra xử lý.

Tại cơ quan công an, Hằng khai nhận, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của ngân hàng, Hằng đã làm giả hóa đơn và sửa tăng số tiền ghi trên hóa đơn giao dịch của khách hàng để giao dịch theo số tiền đã sửa và tạo lệnh chuyển tiền vào tài khoản của mình tại một ngân hàng khác.

Ngoài ra, Hằng còn làm giả chứng từ bằng cách cắt, dán và photocoppy lại giấy báo tiền lãi của ngân hàng với số tiền ít hơn, rồi chiếm đoạt số chênh lệch.

Bằng những thủ đoạn trên, từ năm 2007 đến khi bị phát hiện, Hằng dưới danh nghĩa kế toán đã lừa đảo, chiếm đoạt gần hai tỷ đồng từ các giao dịch tiền tệ của Ngân hàng Chinfon.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Tòa xử án : Cướp cả người nhà

Chương trình tòa xử án : Truy tố vị cáo về tội "Cướp tài sản"

Link: http://clip.vn/watch/Toa-tuyen-an-Cuop-ca-nguoi-nha,WG1K

Bị sa thải vì xin đi du học

Người lao động đã khởi kiện đòi công ty cũ bồi thường 165 triệu đồng.

Ngày 28-9, TAND TP.HCM đã xử vụ ông MTH kiện đòi Tổng Công ty Phát triển phát thanh truyền hình thông tin (EMICO) bồi thường 165 triệu đồng vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Vụ kiện khá lạ bởi nguyên nhân ông H. bị sa thải là do... xin đi du học nước ngoài.


Đơn phương đuổi việc

Tháng 3-2005, ông H. được Chi nhánh tại TP.HCM của Công ty Ứng dụng phát triển phát thanh truyền hình (BDC) ký hợp đồng lao động với thời hạn sáu tháng. Hợp đồng hết hạn, hai bên không ký hợp đồng lao động mới nhưng ông H. vẫn tiếp tục làm việc. Tháng 5-2006, ông H. gửi đơn xin đi du học nước ngoài với nội dung là yêu cầu công ty hỗ trợ về tài chính, thủ tục. Tuy nhiên, khoảng hai tháng sau, giám đốc chi nhánh đã ra quyết định cho ông H. nghỉ việc.

Lý giải, giám đốc chi nhánh cho biết BDC không có chính sách đưa nhân viên đi du học nước ngoài. Ông đã giải thích miệng với ông H. về việc này. Mặt khác, ông nghĩ lá đơn của ông H. có ý nghĩa như thông báo sắp nghỉ việc nên ông đã ra quyết định trên để ông H. có thời gian thực hiện kế hoạch du học của mình.

Về phần mình, ông H. lại nói trước đây chính giám đốc BDC đã gợi ý ông làm hồ sơ xin du học để công ty hỗ trợ. Nghe vậy, ông rất phấn khởi, thông báo với gia đình, bạn bè và nhận được không ít lời chúc tụng. Đến khi có quyết định cho nghỉ việc, không chỉ bản thân ông bị sốc mà mẹ ông (gần 80 tuổi) cũng buồn phiền, lâm bệnh nặng...

Để kiện quyết định trên, ông H. gặp không ít khó khăn. Lúc ông vào làm việc thì chi nhánh thuộc BDC. Chỉ một tháng sau khi ông nghỉ, BDC sát nhập vào EMICO và chi nhánh ông từng làm việc trở nên bơ vơ vì không có tên trong danh sách sát nhập. Thời gian này ông H. bối rối, không xác định được ai là bị đơn. Nếu kiện chi nhánh thì tòa sẽ từ chối nhận đơn vì chi nhánh không có tư cách pháp nhân, muốn kiện BDC thì BDC đã không còn, cả EMICO lúc đó cũng không liên quan.

Phải mãi đến cuối năm 2007, khi chi nhánh được chuyển thành một đơn vị hạch toán phụ thuộc EMICO thì ông mới nộp đơn kiện ra TAND quận 5 nơi chi nhánh có văn phòng. Sau đó, EMICO đã làm giấy ủy quyền cho giám đốc chi nhánh giải quyết.

Phải nhận lại và bồi thường

Ông H. đòi bồi thường rất nhiều khoản. Ngoài tiền lương 35 tháng không làm việc còn có tiền cơm, tiền điện thoại, tiền làm thêm giờ... Ngoài ra, ông yêu cầu EMICO phải đăng báo xin lỗi trên ba số liên tiếp và bồi thường danh dự, tổn thất tinh thần cho ông tám triệu đồng. Ông còn cho rằng khi vào làm việc, ông đã nộp cho chi nhánh hai cuốn sổ bảo hiểm xã hội nhưng chỉ được trả lại một. Nay ông yêu cầu EMICO phải ghi gộp thời gian làm việc vào sổ bảo hiểm...

Tháng 6-2009, TAND quận 5 đã xử sơ thẩm, tuyên hủy quyết định cho thôi việc, buộc EMICO phải nhận ông H. vào làm việc lại, bồi thường 35 tháng lương cùng tiền vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày (tổng cộng khoảng 65 triệu đồng).

Tòa không chấp nhận các yêu cầu bồi thường về tiền cơm, tiền điện thoại... do không có trong các phần phụ cấp lương theo pháp luật lao động, cũng không có trong quy định của EMICO. Về việc sửa sổ bảo hiểm, ông H. phải liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để nơi này hướng dẫn giải quyết. Tòa cũng bác yêu cầu buộc EMICO đăng báo xin lỗi và bồi thường danh dự vì quyết định cho nghỉ việc tuy sai pháp luật lao động nhưng không xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của ông H.

Không đồng ý, EMICO kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, TAND TP phân tích: Theo luật, nếu hết hợp đồng ngắn hạn mà không ký tiếp hợp đồng mới nhưng người lao động vẫn làm việc thì sau 30 ngày được xác định là hợp đồng không thời hạn. Đơn của ông H. là đơn xin du học chứ không phải đơn xin nghỉ việc nên giám đốc chi nhánh ra quyết định cho nghỉ việc là sai.

Chưa phục, giám đốc chi nhánh yêu cầu tòa xác định hợp đồng không thời hạn trên vô hiệu bởi theo điều lệ công ty, chi nhánh chỉ được quyền ký hợp đồng ngắn hạn 3-6 tháng chứ không được ký hợp đồng dài hạn. Tòa giải thích: Chi nhánh chỉ được ký hợp đồng theo ủy quyền bởi công ty mới là pháp nhân sử dụng lao động. Khi hết hạn hợp đồng, lẽ ra chi nhánh phải báo cáo lên công ty biết để ký tiếp hợp đồng mới nhưng lại không báo là có lỗi...

Cuối cùng, TAND TP đã tuyên y án sơ thẩm, riêng phần bồi thường có sửa lại là trừ đi phần tiền vi phạm thời hạn báo trước 45 ngày vì công ty đã trả cho ông H. rồi.
PhapluatTPHCM