Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Cần bảo vệ người thầy !

Khi cần thiết, người thầy phải được bảo vệ, không thể để họ tự lo hay đổ hết mọi chuyện cho họ

Nghề giáo là một nghề cao quý nhưng không phải không có hiểm nguy rình rập, nhất là trong điều kiện hiện nay. Hiểm nguy có thể do vô tình, như chuyện xảy ra đối với thầy Võ Hải Bình ở Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM mới đây, hay cố ý do thiếu kiềm chế của thầy cô. Hiểm nguy cũng có thể đến từ chính "nhân vật trung tâm" của giáo dục, như vụ việc thầy Đặng Hữu Dũng ở Trường ĐH Nông Lâm TPHCM bị học trò tạt axít... Như vậy, khi cần thiết, người thầy phải được bảo vệ, không thể để họ tự lo hay đổ hết mọi chuyện cho họ là xong chuyện.


Một tiết học ở Trường THPT Dân lập Nguyễn Khuyến. Ảnh: T. THẠNH

Trở lại trường hợp của thầy Võ Hải Bình, người vừa bị Hội đồng Kỷ luật của Trường THPT Lê Quý Đôn buộc thôi việc. Những ngày qua, dư luận đã tỏ ra bất bình, không tán thành hình thức kỷ luật quá nặng này. Theo GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội, hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Bình là "hết sức vô lý". Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng Phòng Giáo dục THPT Sở GD-ĐT Hà Nội, nhìn nhận: Chỉ cần đưa ra hình thức răn đe và chỉ ra khuyết điểm để thầy giáo Bình khắc phục chứ không nên cho nghỉ việc.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, qua phân tích hành vi của thầy Bình với điều 25 Nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ "về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức"; khoản 5.5, điểm 5, mục 5, phần III Thông tư 03/2006/TT-BNV ngày 8-12-2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 35/2005/NĐ-CP, cũng đã cho rằng áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với thầy Bình là không phù hợp với các quy định của pháp luật.


Sau khi bày tỏ ý kiến, nhiều người trông chờ Sở GD-ĐT TPHCM xem xét lại hình thức kỷ luật thầy Bình cho thấu tình đạt lý với vai trò người quản lý cấp trên. Tuy nhiên, đến nay, mọi việc có lẽ đã vô vọng, khi giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã cho các đại biểu HĐND TP biết quan điểm của sở là đồng ý với mức kỷ luật của nhà trường.


Hành vi phạt học sinh "thụt dầu" của thầy Bình là không chủ ý. Sức khỏe học sinh bị ảnh hưởng có thật sự do hình phạt này gây ra hay không, cũng chưa được hội đồng y khoa kết luận. Và, hành vi phạt học sinh của thầy Bình có thật sự ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục hay chưa mà phải có một quyết định kỷ luật như thế?


Hơn nữa, có một chi tiết khá quan trọng liên quan đến thầy Bình mà đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa nêu ra khi chất vấn giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, rằng ông chính là người tích cực đấu tranh chống việc "chạy trường" ở Trường THPT Lê Quý Đôn trước đây. Từ đó, chúng ta có quyền nghi vấn: Quyết định buộc thôi việc phải chăng đã vi phạm luật, ảnh hưởng quyền lợi người lao động và nhạy cảm hơn là liên quan đến người tích cực chống tiêu cực?

Từ vụ việc của thầy Bình, những người làm nghề giáo như chúng tôi không khỏi băn khoăn: Ai sẽ bảo vệ người thầy, người tích cực chống tiêu cực, để giải tỏa dư luận, giải tỏa tâm lý của thầy cô, tránh những tiêu cực có thể xảy ra về quan hệ hành xử của thầy cô và học trò - điều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu của giáo dục?

Tôi từng bị học trò dọa "xử đẹp"

Bản thân người viết bài này cũng đã trải qua và thấu hiểu phần nào mối hiểm nguy đối với người thầy. Đó là trường hợp cách nay không lâu, 10 sinh viên của một lớp phải thi lại lần thứ năm một môn học đã có tin nhắn qua điện thoại di động dọa "xử đẹp" tôi như thầy Đặng Hữu Dũng, nếu tôi cho bất kỳ ai trong họ rớt. Các sinh viên này đe dọa tôi ghê gớm như vậy mặc dù họ chỉ nghe đâu đó thông tin tôi sẽ chấm bài thi lại lần thứ năm này. Trước đó, tôi không giảng dạy, cũng chưa lần nào chấm bài thi môn học đó cho sinh viên lớp này. Chính tin nhắn nêu trên đã làm cho một giảng viên được phân công chấm bài thi lại lần thứ năm của 10 sinh viên này không dám chấm!


Sự việc được nhà trường trình báo nhưng vẫn không có kết quả điều tra nào của cơ quan an ninh. Tôi cho rằng nếu đây là một tin nhắn hăm dọa có thật, nó sẽ gây tâm lý bất an cho mọi giảng viên. Hơn nữa, nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu khi thi trả nợ ở các trường.

Bùi Văn Trường (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

Chú trọng bảo vệ cán bộ công đoàn

Trong hai ngày 30-11 và 1-12, tại TPHCM, Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo lần 2 chương XIII (chương về CĐ) trong Bộ Luật Lao động sửa đổi và dự thảo lần 4 Luật CĐ sửa đổi

Theo nhiều đại biểu, so với trước, dự thảo chương XIII về CĐ đã quy định khá cụ thể vấn đề bảo vệ quyền lợi của cán bộ CĐ tại doanh nghiệp (DN). Thực tiễn trong thời gian qua, quy định về bảo vệ cán bộ CĐ hầu như không phát huy tác dụng; tình trạng đối xử bất bình đẳng đối với cán bộ CĐ thường xuyên diễn ra.

Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý cán bộ CĐ cơ sở, từ đó họ ít mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ). Việc dự thảo lần này xây dựng theo hướng DN không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác... sẽ giúp cán bộ CĐ an tâm làm việc.

Điểm tiến bộ khác là dự thảo cũng quy định rõ quyền của CĐ cấp trên ở những DN chưa thành lập tổ chức CĐ. Cụ thể, ở những DN chưa thành lập CĐ cơ sở thì CĐ cấp trên có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ theo quy định của Bộ Luật Lao động.


Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với tổ chức CĐ, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần quy định DN phải thường xuyên đối thoại với CĐ cơ sở để sớm hóa giải các vướng mắc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc làm, thu nhập của NLĐ. Về khoản "phụ cấp chênh lệch tiền lương" do DN trả cho cán bộ CĐ chuyên trách được nêu trong dự thảo, nên để hai bên thỏa thuận và đưa vào thỏa ước lao động tập thể.


Về dự thảo Luật CĐ sửa đổi, theo các đại biểu, việc chỉnh sửa, bổ sung một số quy định nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ chức CĐ, vai trò của CĐ cấp trên cơ sở, những bảo đảm hoạt động CĐ, tài chính CĐ, cơ chế giải quyết tranh chấp đã tạo hành lang pháp lý cho CĐ hoạt động.

Đặc biệt, việc luật hóa nghĩa vụ trích nộp kinh phí CĐ sẽ tạo thuận lợi cho việc trích nộp kinh phí CĐ ở tất cả các loại hình DN. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng cho rằng nên thay từ "trích nộp" bằng từ "đóng" thì sẽ cụ thể hơn. Nhiều ý kiến góp ý cần tách riêng quyền, trách nhiệm của CĐ cơ sở và quyền, trách nhiệm của CĐ cấp trên để thấy rõ hơn vai trò, vị trí của CĐ cấp trên.

VĨNH TÙNG

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Video Clip: Tham nhũng đất đai tại thị xã Đồ Sơn

Tin tức về việc xét xử các bị cáo liên quan đến việc tham nhũng đất đại tại thị xã Đồ Sơn