Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

Đã thỏa thuận tài sản ly hôn còn có thể tranh chấp không?

"Chúng tôi ly hôn với thỏa thuận tôi giao cho anh ấy một số tiền để tự lo chỗ ở. Trong thời gian trước mắt anh ấy phải chuyển tư cách từ chủ hộ sang tạm trú tại nhà tôi. Tôi xin hỏi thỏa thuận có cần chữ ký các con không? Anh ấy có thể tranh chấp nhà với tôi không? Và tôi có quyền yêu cầu anh ấy ra khỏi nhà bất cứ lúc nào không?" (bạn đọc Ha Thanh Huyen).

Trả lời:

1. Trường hợp con chung của hai người đã thành niên, có công sức trong việc tạo dựng tài sản trong gia đình thì thỏa thuận tài sản giữa hai người cần phải có chữ ký của các con. Để giấy thỏa thuận phân chia tài sản có giá trị pháp lý, bạn cần lấy xác nhận của công chứng hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (như tòa án).

2. Với thỏa thuận trên, đôi bên không còn cơ sở để tranh chấp tài sản nữa. Việc chuyển tư cách từ chủ hộ sang tạm trú không liên quan đến vấn đề sở hữu. Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn 12 tháng, khi hết hạn có thể gia hạn.

3. Bạn có quyền yêu cầu anh ấy ra khỏi nhà nhưng không phải bất cứ khi nào, vì còn phụ thuộc vào thời hạn đăng ký tạm trú mà anh ấy đã đăng ký cũng như hoàn cảnh thực tế, khả năng thu xếp chỗ ở mới của anh ấy.

Luật sư Phạm Thanh Bình

Văn phòng Luật sư Hồng Hà,

số 8 Đình Ngang, Hà Nội.

Đăng ký tài sản chung của vợ chồng

"Vợ chồng tôi mua nhà, nhưng giấy tờ chỉ ghi tên chồng. Vậy có đúng không, có ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi không?" (bạn đọc Nguyen Thi Hoa).

Trả lời:

Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 quy định: "Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng". Những tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ và chồng bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu (ôtô, môtô, tàu thuyền…).

Việc đăng ký các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng phải ghi tên của cả vợ và chồng theo quy định nói trên được thực hiện từ ngày 18/10/2001 - ngày Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ có hiệu lực.

Như vậy, nhà của vợ chồng bạn đăng ký sau thời điểm đó mà chỉ ghi tên một người là sai. Bạn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy tờ đăng ký quyền sở hữu tài sản đó với tên của cả vợ và chồng.

Cũng cần hiểu kể cả trường hợp giấy đăng ký sở hữu chỉ ghi tên một bên, tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng. Nếu có tranh chấp, bên nào cho đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của mình phải có nghĩa vụ chứng minh.

Luật sư Phạm Thanh Bình ,

Văn phòng Luật sư Hồng Hà,

số 8 Đình Ngang, Hà Nội.

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Pháp luật bảo vệ quyền của người sử dụng đất ổn định lâu dài

"50 năm trước, bác cho bố mẹ tôi một thửa đất nhỏ, đôi bên không có giấy tờ, bút tích nào. Bố mẹ tôi đã xây nhà sống ổn định từ đó đến nay. Mới đây con bác tôi kiện đòi lại. Vậy có đúng không? (bạn đọc Dao Nhat Nam).

Trả lời:

Một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng dân sự là người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu của mình trước tòa án. Do vậy nếu anh họ của bạn không có bất kỳ giấy tờ, tài liệu nào chứng minh mảnh đất đó là của họ thì về nguyên tắc, tòa án sẽ bác yêu cầu của bên khởi kiện.

Tuy nhiên, bạn là người bị kiện cũng cần có giấy tờ chứng minh việc mình đã sống ổn định, liên tục ở đó mấy chục năm qua, không có tranh chấp gì với gia đình bên bác.

Cũng cần lưu ý, Luật Đất đai cũng như Bộ luật Dân sự quy định rõ nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai, nhà ở là phải bảo vệ lợi ích chính đáng của người đã sử dụng đất ổn định, liên tục, lâu dài. Vì vậy nếu bạn chứng minh được các điều trên, quyền lợi hợp pháp của gia đình sẽ được bảo vệ.

Luật sư Phạm Thanh Bình

Văn phòng Luật sư Hồng Hà,

số 8 Đình Ngang, Hà Nội

Muốn khởi kiện dân sự làm thế nào?

"Tôi và một người khác đang tranh chấp đất đai và công nợ. Nay muốn đề nghị tòa xét xử thì thủ tục thế nào" (bạn đọc Hồng Nga).

Trả lời:

Theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, muốn khởi kiện một người ra tòa, người khởi kiện (nguyên đơn) phải làm đơn kiện gửi tới tòa, kèm theo các tài liệu chứng minh cho nội dung khởi kiện. Ví dụ, kiện đòi nợ thì kèm theo đơn phải là giấy biên nhận tiền, thanh toán nợ, lãi...

Tòa án có thẩm quyền thụ lý là TAND quận, huyện nơi cư trú của người bị kiện, hoặc TAND tỉnh, thành phố (nếu có yếu tố nước ngoài). Sau khi xem xét đơn khởi kiện, tòa án báo cho nguyên đơn nộp tạm ứng án phí và thụ lý vụ kiện. Thời hạn đưa vụ kiện ra xét xử tối đa là 6 tháng kể từ ngày thụ lý đơn khởi kiện.

Luật sư Phạm Thanh Bình

Văn phòng Luật sư Hồng Hà,

số 8 Đình Ngang, Hà Nội